Bất động sản

Đường sắt đô thị trên cao đi vào hoạt động, taxi và xe buýt thường có bị ảnh hưởng?

(VNF) - Ông Hồ Quốc Phi - Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội: Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định: "Metro không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Chúng tôi mong loại hình này phát triển mạnh mẽ hơn để thu hút hành khách".

Đường sắt đô thị trên cao đi vào hoạt động, taxi và xe buýt thường có bị ảnh hưởng?

Đường sắt đô thị trên cao đi vào hoạt động, taxi và xe buýt thường có bị ảnh hưởng?

Ngay trong tháng 8 này, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đóng điện chạy thử nghiệm toàn tuyến. Dự kiến, sau 3-6 tháng chạy thử nghiệm, người dân Hà Nội sẽ có thể đi trên những chuyến tàu trên cao với làn đường dành riêng và những quy định vận hành đặc biệt.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tuyến vận tải công cộng đường sắt đô thị sẽ đe dọa hoạt động xe taxi và chiếm hết khách. Ông Hồ Quốc Phi - Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định, Metro không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

“Chúng tôi mong loại hình này phát triển mạnh mẽ hơn để thu hút hành khách. Tôi rất tâm đắc với mục tiêu kết nối tất cả các loại hình vận tải công cộng để tạo thành mạch máu giao thông thông suốt”, ông Phi nói.

Để khai thác nhanh và mạnh hệ thống Metro, ông Phi cho rằng các đầu cung cấp và giải phóng hành khách phải nhanh. Muốn như vậy cần kết nối với các phương tiện vận tải công cộng khác, trong đó có cả taxi. Ông Phi cũng đề nghị cần có đường ra vào cho taxi đón, trả khách.

Còn ông Nguyễn Công Nhật - Phó TGĐ Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng khẳng định đường sắt trên cao không đe dọa lấy hết khách của xe buýt thông thường.

Ông Nhật cho rằng: “Đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và Việt Nam thì tác động tương hỗ lớn, các chuyên gia cũng cho rằng trục đường 6 Nguyễn Trãi khách đi lại lớn, giờ cao điểm, khách trên buýt đông và quá tải. Với đường sắt này thì một lượng khách xe buýt chuyển lên đường sắt, chính đó là cơ hội cho buýt tăng hành khách”.

Ông lấy ví dụ, trước đây đi 9,5km từ Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở thì lâu nhưng nay có đường sắt trên cao vận hành sẽ có sức chuyên chở gấp hơn 2 lần xe buýt, do đó một số khách sẽ tách tuyến để tổng đường đi tới điểm đến là ngắn nhất.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km trên cao, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông), toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất, đường ray đôi khổ 1.435 mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 553 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016, được điều chỉnh tổng mức đầu tư là hơn 868 triệu USD (tăng 315 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198 triệu USD.

Xem thêm: Giá vé tàu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông là bao nhiêu?

Tin mới lên