Nhân vật

Đường tới Quốc hội: Doanh nhân Đỗ Văn Vẻ và dấu ấn trên chính trường

(VNF) - Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố danh sách chính thức 868 người để bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong danh sách các doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội là ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen là người đã có nhiều năm trải nghiệm làm đại biểu Quốc hội.

Đường tới Quốc hội: Doanh nhân Đỗ Văn Vẻ và dấu ấn trên chính trường

Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen

Ông Đỗ Văn Vẻ sinh ngày 26/3/1962, là người con của tỉnh Thái Bình. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1987 và bắt đầu công tác tại Tập đoàn Hương Sen từ năm 1988 với vị trí Phó giám đốc Xí nghiệp Dệt nhuộm Hương Sen.

Khi đó, theo chia sẻ của ông Trần Văn Sen (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hương Sen), xí nghiệp chỉ có 3 Đảng viên bao gồm ông Đỗ Văn Vẻ và 2 nhân viên khác. Sau khi trình đơn và được Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Hà xin ý kiến tỉnh, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Hương Sen trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của cả nước có Chi bộ Đảng.

Ông Đỗ Văn Vẻ chia sẻ, ở thời điểm đó, ông là Bí thư Chi bộ và để duy trì hoạt động của Chi bộ rất khó khăn, bởi Chi bộ ra đời chưa có tiền lệ, chưa có hướng dẫn mô hình, cách thức hoạt động.

“Tôi phải tự mày mò nghiên cứu, bám sát định hướng kinh doanh của Xí nghiệp xây dựng quy chế làm việc của Chi bộ và viết nghị quyết đầu tiên với mục tiêu tổ chức Đảng và Ban giám đốc có ‘tiếng nói’ chung, luôn song hành đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì lợi ích của doanh nghiệp và người lao động”, ông Vẻ chia sẻ với báo giới.

Ông Đỗ Văn Vẻ được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Trong suốt nhiệm kỳ từ năm 2011-2016, ông Vẻ đã đưa ra nhiều ý kiến và đóng góp vào chính sách cũng như sự phát triển của đất nước.

Về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ông Đỗ Văn Vẻ có một số đóng góp như đề xuất Quốc hội định kỳ hàng năm giám sát chuyên môn về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Ngoài ra, ông cũng đề nghị sửa đổi và bổ sung về các điều khoản như khái niệm kinh doanh; ngành nghề và điều kiện kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;…

Trong giai đoạn cuối năm 2014, ông Đỗ Văn Vẻ cũng thẳng thắn đưa ra một vài đóng góp về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) như đề nghị mở rộng thêm đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam, gồm cá nhân, tổ chức nước ngoài theo Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội.

Theo ông, việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm qua (ở thời điểm năm 2014). Cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam là biện pháp quan trọng để xuất khẩu tại chỗ đối với nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp; thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản và thu hút nhiều hơn ngoại tệ cho nền kinh tế.

Cũng về việc đóng góp cho nội dung của Luật Nhà ở (sửa đổi) trong nhiệm kỳ Quốc hội năm 2011-2016, ông Đỗ Văn Vẻ đưa ra quan điểm không thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội với nhiều lý do đi kèm. Trong đó, theo ông, dự thảo Luật Nhà ở và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, cùng với đó nguồn vốn để thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội là không khả thi.

Tại phiên thảo luật về dự án Luật Thông kê (sửa đổi), ông Đỗ Văn Vẻ với tư cách là đại biểu Quốc hội (đoàn Thái Bình) bày tỏ nhất trí với phạm vi điều chỉnh cả hoạt động thông kê nhà nước và nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê, qua đó góp phần giúp Chính phủ đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ông đề nghị không cho phép tổ chức thống kê nhà nước thực hiện dịch vụ thống kê, đồng thời quy định rõ thời hạn và trách nhiệm của tổ chức thống kê nhà nước phải công bố, phổ biến thông tin thống kê, bảo đảm yêu cầu kịp thời, trung thực, có căn cứ khoa học và thực tiễn.

Theo ông, thông kê thuộc loại luật chuyên ngành, tương tự như các luật chuyên ngành về thương mại, kế toán, hải quan, thuế,... nên Luật Thống kê cũng cần phải có quy định về thời hạn cụ thể đối với các công việc thuộc trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào hoạt động thống kê nhà nước, quy định về thời hạn đối với chế độ báo cáo thống kê.

Có thể thấy rằng, trong suốt nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội của mình, ông Đỗ Văn Vẻ đã đóng góp nhiều ý kiến vào chính sách của Nhà nước. Theo chia sẻ của ông với báo giới, để Quốc hội thực sự có hiệu quả, chất lượng thì các đại biểu phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, phải đọc nghiên cứu nhiều, phải tâm huyết và dành rất nhiều thời gian để hoạt động.

Bởi trước các vấn đề quan trọng như Luật, Nghị quyết thì đại biểu là người bấm nút thông qua, thể hiện quan điểm đồng ý hay không đồng ý và việc đó đòi hỏi đại biểu phải có năng lực.

Theo ông, đại biểu Quốc hội cũng coi như một nghề, không phải ai cũng làm được mà cần tốt chất. Ngoài năng lực, trình độ còn phải dám mạnh dạn, dám chịu trách nhiệm, dám nói, làm và phát biểu.

Tin mới lên