Nhân vật

Đường tới Quốc hội: GS Nguyễn Anh Trí - Người ‘mang’ dịch vụ xét nghiệm tại nhà về Việt Nam

(VNF) - Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố danh sách chính thức 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước. Trong số 868 ứng viên chính thức có hơn 30 doanh nhân và đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Đường tới Quốc hội: GS Nguyễn Anh Trí - Người ‘mang’ dịch vụ xét nghiệm tại nhà về Việt Nam

GS Nguyễn Anh Trí - Người ‘mang’ dịch vụ xét nghiệm tại nhà về Việt Nam.

Đáng chú ý trong danh sách này không thể không kể đến GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội đồng cố vấn MEDLATEC. GS Nguyễn Anh Trí cũng là người đầu tiên “khai sinh” dịch vụ Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở Việt Nam và hiện nay dịch vụ này đang được triển khai trong toàn hệ thống MEDLATEC GROUP.

GS Nguyễn Anh Trí sinh ngày 14/9/ 1957 tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha ông là một cán bộ y tế làm việc ở Ba Đồn, Quảng Bình. Dù nghèo, nhưng cha ông rất coi trọng việc học tập của các con. Ông có tất cả 7 anh chị em. Người có ảnh hưởng tới ông trí nhiều nhất có thể nói là người anh trai Nguyễn Văn Tài. Ông Trí cho hay chính bởi người anh trai là Nguyễn Văn Tài, ông mới có tên là Nguyễn Anh Trí.

“Thuở nhỏ, tên cha mẹ đặt cho tôi là Nguyễn Văn Trí chứ không phải Nguyễn Anh Trí. Nhưng một ngày, anh trai tôi - Nguyễn Văn Tài đã đọc một cuốn sách về các nhà toán học trẻ tuổi, trong đó có một ông phó tiến sĩ tên là Nguyễn Anh Trí. Anh tôi đòi bố đổi tên tôi thành Nguyễn Anh Trí, với hy vọng sau này tôi sẽ thành phó tiến sĩ. Thế là năm lớp 5, tôi được đổi tên thành Nguyễn Anh Trí”, ông chia sẻ.

Sau khi học xong trung học phổ thông, ông thi đại học ngành Vật lý trường Đại học Sư phạm Vinh. Ông nhận giấy báo trúng tuyển nhưng vì bị bệnh sốt rét phải nằm viện, ông đến trường muộn và không được chấp nhận nhập học.[

Năm 1976, ông thi tiếp đại học, trúng tuyển và nhập học trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1982, ông học tiếp bác sĩ nội trú ở Đại học Y Hà Nội. Đến năm 1987, hoàn thành khóa học ông làm việc tại Khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Trong quãng thời gian làm việc tại đây, ông trực tiếp tham gia điều trị, nghiên cứu các bệnh về máu. Đến năm 2003, ông đảm nhận Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Với GS Trí, ông luôn tâm niệm rằng: “Tôi coi nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một cách để cứu người, giúp đời chứ không xem như một phương tiện thương mại”. Và thực tế, trong sự nghiệp của GS Nguyễn Anh Trí đã gắn liền với hai sự kiện có ý nghĩa nhân văn khá lớn của ngành Truyền máu Việt Nam, đó là “Lễ hội Xuân Hồng” và “Hành trình Đỏ”; cũng như ông là người đã từng sở hữu 2 ngân hàng đặc biệt: Ngân hàng máu sống và Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng.

Trong sự nghiệp của mình, GS Nguyễn Anh Trí còn được biết đến là người đầu tiên mang về Việt Nam dịch vụ lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà với nhiều tiện ích để phục vụ người dân.

GS Nguyễn Anh Trí. (Ảnh: MEDLATEC)

Vào thập kỷ 90 trở về trước, ở Việt Nam chưa có dịch vụ lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà. Trong quãng thời gian tu nghiệp ở Nhật, ông được đào tạo về lĩnh vực này và nhận thấy đây là dịch vụ rất hữu ích cho xã hội và cộng đồng. Vì vậy, ông Nguyễn Anh Trí đã cùng với 5 người bạn triển khai dịch vụ này.

Cách đây 24 năm, vào ngày 6/3/1996, ông Trí đã đồng ý nhận lời triển khai một Labo nhỏ với tên gọi đầu tiên là “Phòng Xét nghiệm lâm sàng tổng hợp” tại phòng khám đa khoa của công ty MEDTEC (sau này trở thành Bệnh viện Đa khoa Tràng An).

Sau đó, nhóm này đã phát triển thành một Trung tâm Xét nghiệm với tên gọi là MEDLATEC và ông Nguyễn Anh Trí đã đưa ra đề xuất, tổ chức triển khai dịch vụ lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà trong điều kiện khó khăn, nghi ngại và sự không tin tưởng của cộng đồng.

Và nay, sau 24 năm dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà của MEDLATEC đã nhận được sự chấp nhận, tin dùng và ưa thích sử dụng của bệnh nhân, của cộng đồng trong cả nước.

Ông Trí và nhóm những người thành lập MEDLATEC đã từng bước đưa được dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà này thâm nhập một cách sâu rộng thị trường Hà Nội rồi dần dần lan tỏa ra cả nước.

MEDLATEC tính tới thời điểm hiện tại đã có mạng lưới 16 văn phòng tại Hà Nội, cùng 19 chi nhánh và hơn 40 văn phòng đại diện trong các tỉnh trên cả nước. Hàng ngày có khoảng 300 nhân viên thường trực và hàng trăm cán bộ bổ sung vào giờ cao điểm đi đến từng ngõ ngách để lấy mẫu bệnh phẩm theo yêu cầu của người dân.

GS Nguyễn Anh Trí luôn nói với các nhân viên ở MEDLATEC là người Nhật đã dạy cho ông: “Lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà thực chất là một công nghệ, trước hết đây là công nghệ của sự tổ chức, công nghệ của việc áp dụng các công nghệ mới trong điều hành, quản lý để thực hiện dịch vụ tốt nhất cho người bệnh”.

Mỗi cán bộ được trang bị máy tính bảng để nhập dữ liệu từ xa, giúp tiết kiệm thời gian, đồng thời in biên lai ngay tại nhà khách hàng để bảo đảm tính minh bạch tài chính. Khách hàng có thể sử dụng điện thoại di động để theo dõi toàn bộ tiến trình đến lấy mẫu, làm xét nghiệm và lấy kết quả.

Có thể nói, GS Nguyễn Anh Trí đã dành cả cuộc đời đóng góp và cống hiến cho ngành y nước nhà, nhất là trong các lĩnh vực truyền máu, chẩn đoán và điều trị bệnh máu, tế bào gốc… Ghi nhận những cống hiến cho ngành, ông đã nhận được nhiều phần thưởng và danh hiệu của Đảng và Nhà nước.

Được biết, hiện, GS Nguyễn Anh Trí đang đảm nhận vai trò là Chủ tịch Hội đồng cố vấn MEDLATEC. Ông Trí cũng là một trong hai người tự ứng cử thành công vào Quốc hội khóa đương nhiệm.

Chia sẻ mới đây với báo giới, ông Trí cho rằng một người tự ứng cử đại biểu Quốc hội cần tự đánh giá xem kiến thức, trình độ, năng lực, quỹ thời gian của mình có đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội hay không.

Ông khẳng định, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội cần nhận thức rõ, tham gia làm đại biểu Quốc hội là để góp công sức xây dựng đất nước, giải quyết các vấn đề của nhân dân chứ không phải vì vụ lợi chính trị.

"Tôi nung nấu ý định được làm đại biểu Quốc hội từ khi còn trẻ và từng bước chuẩn bị nền tảng kiến thức cho mình. Năm 2000, khi đã là tiến sỹ y khoa, tôi tiếp tục học thêm Đại học Luật (vào buổi tối) vì nghĩ rằng ngoài kiến thức chuyên môn, mình cần hiểu biết pháp luật. Còn trong công việc, tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ, luôn sống mẫu mực để là tấm gương cho thế hệ bác sĩ của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương", ông nói.

Tin mới lên