Bất động sản

Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô: 'Cần đảm bảo đúng tiến độ, không gây lãng phí nguồn lực quốc gia'

(VNF) - Đối với dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn huyện Sóc Sơn, Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu huyện Sóc Sơn tập trung triển khai dự án đúng tiến độ, khai thác triệt để các cơ chế chính sách, đặc biệt là trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo dự án không chậm muộn, gây lãng phí nguồn lực quốc gia.

Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô: 'Cần đảm bảo đúng tiến độ, không gây lãng phí nguồn lực quốc gia'

Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi giám sát.

Ngày 6/10, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy, do Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn, đã giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho biết trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn huyện Sóc Sơn triển khai 3 dự án trọng điểm của thành phố, gồm: các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang là dự án đầu tư xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II; dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội qua huyện Sóc Sơn; dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.

Trong đó, huyện Sóc Sơn được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 1 dự án (dự án thành phần 1.1- bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đường vành đai 4) và phối hợp với chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng dự án dự án đầu tư xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II.

Theo ông Hà, huyện Sóc Sơn đã tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, đã tổ chức các cuộc làm việc và ra thông báo kết luận với các xã có các dự án trọng điểm của thành phố đã, đang và chuẩn bị triển khai, để nắm tình hình dư luận, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đảm bảo hoàn thành tiến độ các dự án theo kế hoạch.

Về kết quả thực hiện, đối với dự án đầu tư xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, huyện thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng giải phóng mặt bằng tại địa phương, với tổng diện tích 73,73ha, thuộc địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (trong đó, đất nông nghiệp, đất chuyên dùng là 52,46ha của 442 hộ gia đình; đất ở là 21,27ha của 287 hộ gia đình).

Đến nay, huyện đã bàn giao 71,5ha mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện thi công, đạt 96,9% diện tích dự án; còn 2,23ha liên quan đến 36 trường hợp hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra, huyện Sóc Sơn cũng được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 2 dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khu đất xen kẹt, cắt xén tại các xã Nam Sơn, Bắc Sơn phục vụ triển khai dự án đầu tư Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II. Đến nay, đã có 1 dự án hoàn thành phê duyệt toàn bộ phương án giải phóng mặt bằng, 1 dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng 0,9/1,59ha.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến dự án kéo dài, chậm tiến độ so với chỉ đạo của UBND thành phố, lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho rằng, do đây là dự án chủ đầu tư trực tiếp làm công tác giải phóng mặt bằng, huyện thực hiện chức năng của hội đồng giải phóng mặt bằng tại địa phương nên không chủ động được tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án và thực hiện giải phóng mặt bằng có 4 lần thay đổi về tên chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đến tháng 6/2022, cơ cấu tổ chức của đơn vị chủ đầu tư mới hoàn thiện, công tác kiện toàn Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án để giải quyết các tồn tại mới được triển khai các bước tiếp theo. 

Cũng theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, dự án kéo dài do chính sách thực hiện nhiều bất cập, nhiều tình huống phát sinh.

Năm 2021 và đến tháng 3/2022 dịch Covid-19 gia tăng, một số cán bộ chuyên môn, lãnh đạo phụ trách theo dõi dự án của các đơn vị thuộc huyện và chủ đầu tư bị nhiễm Covid-19.

Trên địa bàn xã Bắc Sơn phải thực hiện đồng thời nhiều dự án liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (7 dự án), tổ công tác giải phóng mặt bằng, công chức địa chính, chuyên viên đội quản lý trật tự xây dựng đô thị không thể đáp ứng kịp tiến độ. 

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận huyện Sóc Sơn, với chiều dài 2,3km, trong đó, có đoạn vượt qua sông Cà Lồ, Quốc lộ 2 và nút giao với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, diện tích đất thu hồi là 48,234ha của 500 hộ dân (chủ yếu là đất nông nghiệp, có 3 hộ đất ở bị ảnh hưởng) tại các xã Thanh Xuân, Tân Dân.

Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự kiến là 438 tỷ đồng. Huyện đã thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành tổ công tác giải phóng mặt bằng; ban hành thông báo thu hồi đất, chính sách giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Đến nay, đã hoàn thành các khâu chuẩn bị để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch.

Cũng tại buổi giám sát, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã nêu một số kiến nghị, đề xuất để giải quyết những khó khăn, tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, đối với dự án đầu tư xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, huyện đề nghị UBND thành phố sớm ra hạn thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng dự án xen kẹt, cắt xén ngoài chỉ giới dự án; bố trí kinh phí để thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, đối với dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4, huyện đề xuất thành phố chấp thuận cơ chế đặc thù trong công tác di chuyển mộ và giải phóng mặt bằng các nghĩa trang phục vụ di chuyển (khoảng 1.000 ngôi mộ); công tác bồi thường, hỗ trợ, di chuyển các công trình ngầm nổi; công tác bồi thường, hỗ trợ về đất và về nguồn vốn thực hiện giải phóng mặt bằng dự án.

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Nguyễn Doãn Toản, Phó trưởng đoàn giám sát, cho rằng huyện cần đánh giá rõ về bức tranh tổng thể của các dự án, từ quá trình hình thành, triển khai, điều chỉnh.

Đặc biệt, huyện cần đánh giá rõ biến động của chính sách với từng dự án, thể hiện trách nhiệm của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Huyện uỷ trong chỉ đạo triển khai các dự án; dự phối hợp với huyện với các sở, ban, ngành của thành phố, để tháo gỡ những bất cập.

Phó trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị huyện cần bổ sung rõ việc tổ chức triển khai ở các cấp uỷ cơ sở cũng như những tồn tại vướng mắc, nguyên nhân, từ đó đánh giá rõ, gắn trách nhiệm của bí thư cấp uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo. 

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó bí thư Thành uỷ Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng thời gian tới, huyện cần tập trung cao độ hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt, sát sao hơn, trong đó cần rà soát lại toàn bộ công tác triển khai các dự án, tổng hợp số liệu chi tiết và đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để nhanh chóng hoàn thành dự án Khu xử lý chất thải Sóc Sơn.

Lưu ý việc đánh giá các dự án cần toàn diện, đầy đủ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu huyện Sóc Sơn, ngoài 3 dự án của thành phố, thì cần đánh giá thêm các dự án Trung ương trên địa bàn.

Đặc biệt việc kiến nghị, đề xuất phải thực chất, liên thông với các Chương trình số 02, 03, 05 của Thành uỷ khoá XVII, nên những nội dung nào trên địa bàn huyện đang triển khai thì cần liên thông đánh giá cùng với việc thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị Ban Thường vụ Huyện uỷ, đặc biệt là Bí thư, Phó bí thư Huyện uỷ sát sao hơn nữa, tập trung đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn, rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng, để áp dụng mức tối đa nhất, tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Đối với dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn huyện, ông Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu huyện tập trung triển khai dự án đúng tiến độ, khai thác triệt để các cơ chế chính sách, đặc biệt là trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo dự án không chậm muộn, gây lãng phí nguồn lực quốc gia. 

Nhấn mạnh công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng đối với công tác giải phóng mặt bằng, Trưởng đoàn giám sát yêu cầu huyện phải chú trọng công tác này, tuyên truyền, thông tin để tạo đồng thuận của nhân dân. Ngoài trách nhiệm của huyện, công tác phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành thành phố trong tuyên truyền cũng phải được chú trọng.

Do đó, các sở, ngành của thành phố phải tập trung hỗ trợ huyện xử lý vướng mắc trong triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn huyện. "Phải xác định rõ đây là nhiệm vụ chung của toàn Thành phố để thúc đẩy hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các công trình, dự án", ông Tuấn nhấn mạnh.

Tin mới lên