Tài chính quốc tế

Elon Musk thất hứa như thế nào khi đầu tư vào Bitcoin?

Khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin của Tesla sẽ gián tiếp tạo ra thêm 8,1 triệu tấn khí thải carbon. Điều đó đi ngược với sức mệnh xanh của hãng xe điện của Elon Musk.

Elon Musk thất hứa như thế nào khi đầu tư vào Bitcoin?

Elon Musk thất hứa như thế nào khi đầu tư vào Bitcoin?

Tesla bắt đầu chính thức chấp nhận Bitcoin như một loại hình thanh toán cho xe điện ở Mỹ. Theo nhà báo Liam Denning của Bloomberg, đó có thể là một chiến lược tiếp thị thông minh, một cách tăng cơ hội chiến thắng cho ván cược vào tiền mã hóa, hoặc đơn giản chỉ là một việc cần làm.

Nhưng quyết định của Tesla không có một điều. Đó là sự phù hợp với "sứ mệnh xanh" của hãng xe điện.

Thuật toán của Bitcoin quy định rằng các đồng tiền mới chỉ có thể được tạo ra bằng cách dùng máy tính để giải phương trình toán học. Do đó, cần có một mạng lưới toàn cầu sử dụng rất nhiều năng lượng để duy trì và khai thác đồng tiền mã hóa này.

Tổng mức tiêu thụ năng lượng của mạng lưới này vượt quá toàn bộ Phần Lan. Nhưng không may là đa phần hoạt động "đào Bitcoin" không diễn ra ở Phần Lan - nơi quá trình sản xuất điện phát thải ít carbon hơn.

Tiêu tốn năng lượng

Các "thợ đào" Bitcoin muốn giảm chi phí đáng kể để tăng lợi nhuận. Và Trung Quốc có một số nguồn điện rẻ nhất thế giới. Hơn 2/3 hoạt động khai thác Bitcoin được cho là diễn ra ở đất nước tỷ dân. Tại đây, quá trình sản xuất điện chủ yếu sử dụng than đá làm nhiên liệu.

Hãng xe điện của Elon Musk đặt sứ mệnh "đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới sang năng lượng bền vững". Ngay cả ở Trung Quốc, trung bình một chiếc xe điện có thể tạo lượng khí thải carbon thấp hơn 35% so với xe động cơ đốt trong trong suốt vòng đời.

"Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ thay đổi nếu các khách hàng thanh toán chiếc xe điện đó bằng Bitcoin", nhà báo Denning bình luận.

Để đào nhiều Bitcoin hơn, độ phức tạp của các thuật toán phải tăng dần, đòi hỏi sức mạnh tính toán ngày càng lớn. Năng lượng cần tiêu thụ cứ thế nhiều thêm. Theo Digicomist, một nền tảng theo dõi tác động của những xu hướng kỹ thuật số, mức tiêu thụ điện của mạng lưới Bitcoin tăng 8 lần chỉ trong vỏn vẹn bốn năm qua.

Các máy đào Bitcoin đã trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chúng vẫn tiêu thụ gần 50% lượng điện được sử dụng để cung cấp năng lượng cho những trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới (theo nghiên cứu của nhà sáng lập Digicomist Alex de Vries).

Xe điện tạo lượng khí thải carbon thấp hơn so với xe động cơ đốt trong. Ảnh: Reuters.

Bank of America (BofA) cũng chỉ ra mối liên hệ giữa giá của Bitcoin và khả năng phát thải.

Giá Bitcoin tăng lên sẽ thu hút nhiều thợ đào hơn. Hơn nữa, khi giá leo dốc, mạng lưới cũng cần gia tăng độ phức tạp để bảo vệ chống lại tin tặc. Theo Blockchain.com, tỷ lệ đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào đã tăng khoảng 60% trong vòng một năm qua.

Theo ông Denning, mạng lưới Bitcoin càng phức tạp, mức tiêu thụ năng lượng càng gia tăng. Đáng nói, nguồn cung của đồng tiền này bị giới hạn, trong khi nhu cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, từ đó thúc đẩy giá tăng cao.

Thêm vào đó, theo ước tính của BofA, một dòng vốn tương đối nhỏ có thể khiến giá Bitcoin biến động đáng kể. Nếu đổ thêm 93 triệu USD vào thị trường, giá sẽ tăng 1%. Để so sánh, thị trường vàng cần tới khoảng 2 tỷ USD để đạt mức tăng tương tự.

Giá tăng mạnh

Quay trở lại câu chuyện của Tesla, hồi tháng 2, hãng xe điện thông báo đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và sẽ cho phép khách hàng thanh toán bằng tiền mã hóa.

Thông báo châm ngòi cho đợt bùng nổ giá của Bitcoin, đưa giá đồng tiền này từ 40.000 USD/đồng lên 60.000 USD/đồng.

Dựa trên tính toán của BofA, khoản vốn mới 1 tỷ USD sẽ khiến giá Bitcoin tăng 11%. Cùng với đó là sự gia tăng về mức tiêu thụ điện của các thợ đào. Hệ thống khai thác khổng lồ có thể tạo ra thêm 5,4 triệu tấn khí thải carbon.

Như vậy, khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin của Tesla sẽ gián tiếp tạo ra thêm 8,1 triệu tấn khí thải carbon. Trong khi đó, phải thay 238.000 xe động cơ đốt trong bằng xe điện tại Mỹ, chúng ta mới giảm được lượng khí thải carbon kể trên. Con số đó lớn hơn số Model 3 được Tesla sản xuất ở Mỹ hồi năm ngoái.

Riêng tại Trung Quốc, chúng ta cần đến 475.000 chiếc EV thay thế xe động cơ đốt trong.

Bitcoin chứng kiến đà tăng giá phi mã trong vòng một năm qua. Ảnh: Coindesk.

Trên thực tế, một khách hàng dùng Bitcoin để mua Tesla sẽ không trực tiếp tiêu thụ năng lượng trong quá trình này. Tương tự như vậy, một người mua Bitcoin rồi trả cho Tesla cũng không khiến giá dịch chuyển.

Tuy nhiên, khi sự ủng hộ đối với Bitcoin tăng lên, giá cao hơn sẽ kéo theo mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải gia tăng. "Hiệu ứng Elon Musk" và tiềm năng Bitcoin được chấp nhận rộng rãi đã thúc đẩy đà tăng giá của đồng tiền, nhất là khi chỉ chưa đầy 1 tỷ USD đổ vào thị trường cũng có thể làm giá tăng 1%.

"Những tài xế yêu thích tiền mã hóa không hủy hoại khả năng giảm khí thải của xe điện của họ. Nhưng họ đang tham gia vào một hệ thống trớ trêu có thể làm điều đó", cây bút của Bloomberg viết.

Khi đưa Bitcoin vào bảng cân đối kế toán, Tesla đã đánh cược khoản tiền đầu tư khổng lồ mà công ty huy động được trong vòng một năm qua.

"Nó cũng cho thấy sức nặng đáng kể của một hiện tượng như Bitcoin đối với sứ mệnh giảm khí thải mà công ty đã cam kết", ông Denning nói thêm.

Tin mới lên