Tài chính

ESOP cho ai?

(VNF) - Tại Việt Nam, không ít nhân sự vừa là lãnh đạo công ty, vừa là cổ đông lớn của công ty lại chính là người nhận về lượng cổ phiếu ESOP lớn nhất. Sự thiếu công bằng này khiến nhiều cổ đông bức xức vì họ vừa phải chi thưởng bằng tiền theo cơ chế riêng hàng năm, vừa phải chịu thiệt do phát hành ESOP, trong khi một vài người cũng là cổ đông vừa được nhận thưởng bằng tiền, lại vừa được nhận lượng lớn cổ phiếu ESOP.

ESOP cho ai?

ESOP cho ai?

Từ ngày 14/6, gần 5,8 triệu cổ phiếu MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan bắt đầu được phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Đáng chú ý, giá phát hành chỉ vỏn vẹn 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá MSN hiện tại lên đến trên 80.000 đồng/cổ phiếu.

Đặc biệt hơn, gần 5,8 triệu cổ phiếu này sẽ được phát hành cho tối đa 25 người mà không có thời gian hạn chế chuyển nhượng. Nghĩa là 25 người này chỉ cần bỏ ra gần 58 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu MSN trị giá trên 460 tỷ đồng và có thể chốt lời ngay trên sàn, thu về mức lợi nhuận cỡ khoảng 400 tỷ đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên Masan phát hành ESOP với giá rất thấp cho một số lượng cán bộ công nhân viên rất hạn chế. Hồi năm 2013, tập đoàn này đã phát hành gần 17,9 triệu cổ phiếu ESOP cho chỉ 28 người cũng với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng khoảng 1/10 thị giá thời điểm đó.

Thực tế, những đợt phát hành ESOP tương tự không phải là hiếm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm ngoái, Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (HoSE: AAA) đã phát hành 4 triệu cổ phiếu AAA cho chỉ vỏn vẹn 10 cán bộ công nhân viên. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá vào khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự như trường hợp của Masan, số cổ phiếu ESOP AAA phát hành không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng, đồng nghĩa 10 người cán bộ nhân viên trên có thể lập tức thu lời khoảng 70% bằng việc bán ngay trên sàn.

Hay như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), cách đây 6 tháng cũng đã hoàn tất phát hành 22,67 triệu cổ phiếu ESOP cho một số tương đối hạn chế người lao động: 145 người (Novaland hiện có khoảng 1.500 người lao động). Trong đó, có 4,5 triệu cổ phiếu được tự do chuyển nhượng, còn lại 18,17 triệu cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng khoảng 1/6 thị giá. Nghĩa là 145 người này bỏ ra 226 tỷ đồng sẽ sở hữu lượng cổ phiếu trị giá khoảng 1.400 tỷ đồng.

Một vấn đề cũng gây "nhức nhối" với nhiều cổ đông là việc một lượng lớn cổ phiếu ESOP được phát hành cho... lãnh đạo công ty. Ngay như Novaland, tạm tính cho thấy dàn lãnh đạo của công ty này đã mua vào khoảng 6 triệu cổ phiếu ESOP, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng cổ phiếu ESOP phát hành.

Con số của Novaland còn tương đối nhỏ và phân tán cho nhiều lãnh đạo. Hồi cuối năm 2018, Công ty Chứng khoán SSI phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP và 1/3 trong số đó là dành cho lãnh đạo. Người đăng ký mua khối lượng lớn nhất là ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SSI với 1,856 triệu cổ phiếu, bằng gần 1/5 tổng lượng cổ phiếu ESOP phát hành.

Cũng ông Nguyễn Duy Hưng, nhưng trên cương vị Chủ tịch HĐQT PAN Group, đã mua tới 700.000 cổ phiếu trong tổng số 2,5 triệu cổ phiếu ESOP mà PAN Group phát hành hồi cuối năm 2018, nghĩa là chiếm tới 28%.

Năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh phát hành 7,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng khoảng 1/3 so với thị giá thời điểm đó.

Danh sách cán bộ công nhân viên được mua cổ phiếu ESOP là 125 người. Điều đặc biệt là Chủ tịch HĐQT Lương Trí Thìn đã mua tới 3,21 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương tới 43% lượng cổ phiếu ESOP phát hành.

Trường hợp tiêu biểu khác có thể kể đến Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh mua vào tổng cộng hơn 16 triệu cổ phiếu ESOP hồi cuối năm 2018, bằng tới gần một nửa tổng lượng cổ phiếu ESOP phát hành.

Nhiều cổ đông, nhà đầu tư tại Việt Nam rất bức xúc với "nạn" phát hành cổ phiếu ESOP tràn lan (Ảnh minh họa)

Trên đây chỉ là một số trường hợp điển hình ở các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa tương đối lớn. Còn rất nhiều trường hợp phát hành cổ phiếu ESOP khác khiến các cổ đông bức xúc bởi không chỉ ESOP được phát hành cho một số lượng hạn chế nhân viên mà trong số đó, chính lãnh đạo công ty, thậm chí là cổ đông lớn nhất, là những người mua vào lượng cổ phiếu ESOP nhiều nhất.

Điều này đi ngược lại với mục tiêu ban đầu của chương trình ESOP là nhằm cân bằng lợi ích giữa giới chủ và người lao động, giúp khắc phục một phần khiếm khuyết của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, như những gì mà người sáng tạo ra chương trình này, nhà kinh tế học, luật sư Louis O. Kelso mong đợi.

Ở các nước phát triển, mục tiêu phát hành cổ phiếu ESOP phần lớn là để tăng phúc lợi cho nhân viên - tương đồng với mục tiêu ban đầu mà Louis O. Kelso đề ra. Cổ phiếu ESOP thường chỉ có hiệu lực sau khoảng 2 - 6 năm và phải đến khi rời khỏi công ty, hoặc có những trường hợp sau 10 năm tham gia chương trình ESOP thì mới được nhận cổ phiếu, thậm chí phải chờ đến tuổi hưu.

Bên cạnh việc hạn định về thời gian, chương trình ESOP ở các nước phát triển còn hướng đến việc phát hành một cách rộng rãi cho số lượng lớn nhân viên, với mục đích là để các nhân viên biết rằng họ đang làm việc cho chính họ. Điều này giúp tăng hiệu suất làm việc cho toàn công ty và đây cũng là một trong những mục tiêu lớn của chương trình ESOP.

Một kế hoạch phát hành ESOP không đảm bảo tính rộng rãi khó lòng được thông qua và một khi đã thông qua, nếu nhân viên nào đáp ứng đủ điều kiện chung mà công ty đề ra trong chương trình ESOP mà không được tham gia mua cổ phiếu ESOP thì nhân viên có quyền kiện công ty. Đây cũng là điểm khác biệt giữa ESOP tại các nước phát triển và Việt Nam.

Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, người lao động của công ty sở hữu một lượng cổ phần đáng kể của công ty thì sẽ không được nhận cổ phiếu ESOP, thay vào đó sẽ được chia sẻ lợi nhuận bằng tiền mặt theo một cơ chế khác.

Điều này là nhằm giảm thiếu sự thiếu công bằng giữa cổ đông này với cổ đông khác, khi mà đại đa số cổ đông thực chất đã phải chịu phần thiệt khi phát hành ESOP do cổ phiếu bị pha loãng thì một vài cổ đông lại giảm thiếu đáng kể phần thiệt, thậm chí tính ra còn có lãi khi nhận về lượng lớn cổ phiếu ESOP.

Như đã đề cập, nhiều trường hợp tại Việt Nam, không ít nhân sự vừa là lãnh đạo công ty, vừa là cổ đông lớn của công ty lại chính là người nhận về lượng cổ phiếu ESOP lớn nhất. Sự thiếu công bằng này khiến nhiều nhà đầu tư, cổ đông bức xức. Đến mức trên một diễn đàn lớn nhất tại Việt Nam về chứng khoán, các nhà đầu tư còn cùng nhau tập hợp danh sách hàng chục doanh nghiệp niêm yết phát hành ESOP để tẩy chay.

Thực tế, các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đa phần đều đã có cơ chế thưởng đặc biệt được đại hội đồng cổ đông thông qua theo tờ trình riêng. Không khó để hiểu được vì sao cổ đông, nhà đầu tư bức xúc vì họ vừa phải chi thưởng đặc biệt, vừa phải chịu thiệt do phát hành ESOP, trong khi một vài người cũng là cổ đông vừa được nhận thưởng đặc biệt, lại vừa được nhận lượng lớn cổ phiếu ESOP.

Tin mới lên