EU áp quy định chống phá rừng: Ba nhóm hàng Việt Nam gặp khó

Hồng Hạnh - 19/11/2024 11:15 (GMT+7)

(VNF) - Trong các nhóm mặt hàng chịu sự điều chỉnh của quy định chống phá rừng, Việt Nam có 3 nhóm hàng bị tác động chính, đó là gỗ, cao su và cà phê.

Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (gọi tắt là EUDR) được Nghị viện thông qua ngày 29/6/2023 và có hiệu lực vào tháng 12/2024 đối với các doanh nghiệp lớn và áp dụng từ 30/6/2025 với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, ngày 2/10/2024, cơ quan này đã công bố đề xuất hoãn thực thi Quy định chống phá rừng. Theo dự kiến mới, quy định này sẽ bắt đầu thực thi vào tháng 1/2025 đối với các doanh nghiệp lớn.

Rào cản mới với gỗ, cao su và cà phê

Quy định nhằm giải quyết việc phá rừng, suy thoái rừng, và bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học. Trong các nhóm mặt hàng chịu sự điều chỉnh của quy định chống phá rừng, Việt Nam có 3 nhóm hàng bị tác động chính, đó là gỗ, cao su và cà phê.

Trong đó, cà phê chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Nếu tính riêng 27 nước Liên minh châu Âu, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang thị trường này chiếm khoảng trên dưới 40% tổng khối lượng xuất khẩu, kim ngạch trên dưới 2 tỷ USD.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan bày tỏ, chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà đây là xu thế của thế giới trong tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững.

"Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cấu trúc lại các ngành hàng liên quan tới rừng và lâm nghiệp như cà phê, cao su su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ", ông Hoan nhấn mạnh.

Vị Bộ trưởng cho rằng, mỗi sự thay đổi đều có những khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì còn khó khăn hơn nữa, các hiệp hội ngành hàng đều hiểu được điều đó.

“Thành công hay không là nhờ vào việc chúng ta có tư duy và hành động hệ thống, hệ thống càng rộng theo chiều ngang, càng dài theo chiều dọc cần phải có tư duy gắn kết giữa Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành; giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế; giữa trung ương với các địa phương, giữa hai tác nhân rất lớn là doanh nghiệp và cộng đồng người dân sản xuất những mặt hàng liên quan đến quy định này", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Cần chuẩn bị gì?

Trước bối cảnh này, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), trước tiên cần đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân hiểu rõ quy định mới về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nông sản, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và người dân trong phối hợp thực hiện.

Bên cạnh đó, phải xây dựng kế hoạch hành động, tuyên truyền cũng như vận động nông dân với các giải pháp về kỹ thuật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về vườn trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như chuẩn bị giải pháp ứng phó rủi ro phát sinh…

Từ cuối năm 2022, tổ chức IDH đã nắm bắt thông tin về tác động của EUDR đối với ngành cà phê Việt Nam và chủ động chia sẻ thông tin với các đối tác. Nhận thấy ảnh hưởng lớn của EUDR, IDH đã nhanh chóng xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân.

Trong thời gian qua, IDH đã hợp tác với Bộ NN&PTNT, JDE Peet's - công ty nhập khẩu cà phê lớn nhất vào EU, cùng các hiệp hội ngành hàng để phát triển các giải pháp thích ứng với EUDR. Sau đó, IDH đã hợp tác với Bộ NN&PTNT cùng JDE Peet’s và 11 công ty (chiếm khoảng 70% lượng cà phê của Việt Nam) và chính quyền địa phương thực hiện thí điểm tại 4 huyện thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng nhằm triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và minh bạch chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn EUDR.

Bà Phan Thị Vân, Giám đốc chương trình/Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH Việt Nam cho hay, để doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng và tuân thủ hiệu quả các yêu cầu của EUDR, doanh nghiệp cần tập trung vào hai vấn đề chính:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc và quản lý rủi ro để xác minh nguồn gốc bền vững của sản phẩm, phù hợp với yêu cầu của EUDR.

“Dựa trên kết quả triển khai các giải pháp thí điểm, đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về rừng và vùng trồng, chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp hợp tác cùng xây dựng CSDL rừng và CSDL vùng trồng theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đạt được hệ thống thông tin đồng nhất”, bà Vân nói.

Thứ hai, doanh nghiệp cần hỗ trợ người dân tại vùng nguyên liệu áp dụng các phương pháp canh tác bền vững và nông nghiệp tái sinh để giảm thiểu tác động đến môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như đảm bảo ko có người nông dân nào bị bỏ lại phía sau trong chuỗi cung ứng.

Lãnh đạo IDH cũng lưu ý, để thực thi EUDR hiệu quả, hợp tác công - tư (PPP) giữa các chủ thể là yếu tố then chốt.

“IDH nhận thấy vai trò quan trọng của PPP trong việc thực hiện các giải pháp thích ứng EUDR nên đã kết nối người trồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý để thực hiện thí điểm các giải pháp thích ứng EUDR từ đó tạo ra một hệ thống minh bạch, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và giảm thiểu tác động đến rừng.

Trong mô hình PPP này, người trồng và doanh nghiệp sẽ cung cấp dữ liệu sản xuất đáng tin cậy và áp dụng các phương pháp canh tác bền vững. Chính quyền địa phương và các bộ, ngành hỗ trợ khung pháp lý, cung cấp thông tin và giám sát tiến độ thực hiện.

Do đó, cần thiết lập một cơ chế hợp tác và phương pháp tổ chức thực hiện cụ thể, rõ ràng để huy động sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan. Cách tiếp cận này không chỉ hỗ trợ việc thực thi EUDR tốt hơn mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, bà Vân góp ý.

Kí thỏa thuận cộng gộp xuất xứ với Hàn Quốc, dệt may Việt Nam rộng cửa vào EU

Kí thỏa thuận cộng gộp xuất xứ với Hàn Quốc, dệt may Việt Nam rộng cửa vào EU

Thị trường
(VNF) - Thỏa thuận cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Cùng chuyên mục
Tin khác