Tài chính quốc tế

EU cảnh báo khó khăn trong đàm phán thương mại hậu Brexit

Phát biểu tại Lisbon, Bồ Đào Nha, Trưởng phái đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier nhận định nguy cơ Anh rời EU mà không có thỏa thuận vẫn hiện hữu.

EU cảnh báo khó khăn trong đàm phán thương mại hậu Brexit

Trưởng phái đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier. (Nguồn: Getty Images)

Trưởng phái đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier tuyên bố các cuộc đàm phán về mối quan hệ thương mại tương lai với Anh sẽ trở nên khó khăn, do Brussels sẽ không nhượng bộ trước các lợi thế cạnh tranh không công bằng.

Phát biểu tại Web Summit, sự kiện công nghệ lớn nhất châu Âu, đang diễn ra tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ông Barnier nhận định nguy cơ Anh rời EU mà không có thỏa thuận vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, kể cả khi thỏa thuận Brexit được thông qua, thì EU vẫn phải tiếp tục đàm phán với Anh về mối quan hệ đối tác mới trong giai đoạn hậu Brexit.

Theo ông, trợ cấp nhà nước, các quyền xã hội và môi trường, thuế sẽ là những ưu tiên hàng đầu của Ủy ban châu Âu trong các cuộc đàm phán, trong khi thời gian để đàm phán về mối quan hệ đối tác mới của hai bên lại rất ít. Do đó, ông tin rằng các cuộc đàm phán hậu Brexit sẽ trở nên khó khăn và Anh không nên nghĩ rằng chỉ thương lượng về mức thuế quan và hạn ngạch bằng 0 là chưa đủ.

Ngày 28/10 vừa qua, tại cuộc họp ở Brussels, Bỉ, các quốc gia thành viên EU đã nhất trí gia hạn tiến trình Brexit thêm 3 tháng, tức đến ngày 31/1/2020, thay vì ngày 31/10 tới. Khoảng thời gian gia hạn kéo dài 3 tháng này được cho là đủ để Thủ tướng Anh xử lý các vấn đề nội bộ nhằm thông qua tiến trình phê chuẩn thỏa thuận Brexit tại Quốc hội Anh.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Anh về việc bầu cử sớm vào đầu tháng 12/2019 mà ông hy vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc của Brexit và dẫn tới sự phê chuẩn đối với thỏa thuận Brexit mà ông đạt được với EU hồi đầu tháng 10.

Ông Johnson tin rằng thỏa thuận mới về Brexit là giải pháp duy nhất để giải quyết tình trạng bất ổn hiện nay đã tác động tới nền kinh tế Anh kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi năm 2016.

Tin mới lên