Tài chính quốc tế

EU đề xuất kế hoạch trị giá 140 tỷ USD để kiềm chế giá năng lượng tăng cao

(VNF) - EU sẽ cân nhắc việc cắt giảm mức tiêu thụ điện trong khối, đánh thuế lợi nhuận từ dầu mỏ và khí đốt để chế ngự khủng hoảng năng lượng

EU đề xuất kế hoạch trị giá 140 tỷ USD để kiềm chế giá năng lượng tăng cao

EU đề xuất kế hoạch trị giá 140 tỷ USD để kiềm chế giá năng lượng tăng cao.

Giải pháp của EU 

Tại cuộc họp vào ngày 30/9 tại Brussels (Bỉ), bộ trưởng năng lượng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tìm kiếm các giải pháp khẩn cấp nhằm hạ giá năng lượng khi mùa Đông tới gần.

Liên minh châu Âu nhất trí đánh thuế lợi nhuận của các công ty dầu mỏ và giới hạn doanh thu của một số doanh nghiệp khí đốt.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng những "gã khổng lồ" dầu khí đang "ăn theo hàng trăm tỷ USD tiền trợ cấp và lợi nhuận thu được trong khi ngân sách dành cho các hộ gia đình dần hạn hẹp và năng lượng đang cạn kiệt".

Lợi nhuận tại các nhà máy phát điện sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân đã tăng lên do biểu giá của chúng liên quan đến giá bán buôn khí tự nhiên, vốn đã tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 3, khoảng 550% so với năm ngoái.

Ông Claude Turmes, Bộ trưởng năng lượng của Luxembourg, cho biết châu Âu cần phải tìm ra các giải pháp thay thế cho "cuộc chạy đua điên cuồng" giữa các quốc gia đang cố gắng bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi sự gia tăng đáng kể trong hóa đơn của họ.

Theo đó, ông Guterres kêu gọi các nền kinh tế lớn áp thuế gió để tài trợ cho các khu vực đang gặp khó khăn với hoá đơn năng lượng và những quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu. Bằng cách này, EU sẽ huy động được khoảng 140 tỷ USD hỗ trợ cho việc kiềm chế khủng hoảng.

Ủy ban cũng nói thêm rằng các quốc gia thành viên EU nên đánh thuế bổ sung đối với bất kỳ khoản lợi nhuận nào vượt quá 20% thu nhập trung bình trong ba năm qua.

Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết khối liên minh sẽ tiến hành một "cải cách sâu sắc và toàn diện" để tách chi phí khí đốt khỏi giá điện.

Bà Leyen nói với các nhà lập pháp EU trong một bài phát biểu tại Strasbourg, Pháp: "Những công ty này đang tạo ra doanh thu mà họ chưa bao giờ tính đến, thậm chí họ chưa bao giờ mơ tới. Thật sai lầm khi nhận được những khoản lợi nhuận kỷ lục bất thường được hưởng từ chiến tranh và sự hỗ trợ của người tiêu dùng".

Ông Claude Turmes, Bộ trưởng năng lượng của Luxembourg đề nghị tìm các giải pháp trong "cuộc đua" kiềm chế giá năng lượng.

Các đề xuất của Ủy ban vẫn cần được các nước thành viên EU tranh luận và thông qua. Tuy nhiên, Ủy ban cũng cho biết có thể đưa ra mức giới hạn 80 USD mỗi megawatt giờ đối với điện do các công ty năng lượng tái tạo sản xuất, trong khi giá khí đốt bán buôn tiêu chuẩn của châu Âu hiện là 212 USD mỗi megawatt giờ.

Giá khí đốt tự nhiên và giá dầu bắt đầu tăng vào năm ngoái khi các quốc gia mở cửa trở lại sau thời kỳ đại dịch. Nhưng sự bất đồng về năng lượng giữa châu Âu và Nga đã khiến giá cả tăng chóng mặt. Dù giá dầu đã giảm trở lại do kinh tế toàn cầu suy thoái dẫn đến nhu cầu giảm, nhưng giá khí đốt tự nhiên vẫn cao hơn mức đỉnh của tháng 3.

Các đề xuất của EU lúc này là một phần trong gói các biện pháp giúp khu vực vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông năm nay, khi nhiệt độ giảm và nhu cầu thường tăng đột biến.

Cũng như châu Âu, nước Anh - nơi đang "sa lầy" vào cuộc khủng hoảng năng lượng của chính mình - cho đến nay đã hứa trợ cấp khoảng 500 tỷ USD để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với hóa đơn năng lượng tăng cao.

Nước Anh đã áp thuế 25% đối với lợi nhuận thu được từ các công ty dầu khí của họ vào đầu năm nay để giúp chi trả một đợt cứu trợ ban đầu cho người tiêu dùng.

Suy thoái toàn cầu

Giá năng lượng tăng cao đang đẩy chi phí trên toàn nền kinh tế lên mạnh mẽ và đè nặng lên tăng trưởng.

Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt mức cao kỷ lục trong tháng 9 do giá năng lượng tăng phi mã.

Giá tiêu dùng tại 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, mức lạm phát cao nhất trong vòng 25 năm kể từ khi đồng tiền này được phát hành.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất lên mức kỷ lục 0,75 điểm cơ bản vào đầu tháng này trong một nỗ lực để chế ngự lạm phát và có thể làm như vậy một lần nữa vào tháng 10 tại cuộc họp tiếp theo.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo các cú sốc về giá thực phẩm và năng lượng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở châu Âu hơn 1,25 điểm phần trăm trong năm tới.

“Điều này sẽ đẩy nhiều quốc gia vào cuộc suy thoái cả năm vào năm 2023, trong khi tăng trưởng GDP cũng sẽ bị suy yếu vào năm 2024”, Đại diện OECD cho biết.

Xem thêm >> Ukraine 'cấp tốc' xin gia nhập NATO sau khi Nga sáp nhập một phần lãnh thổ

Tin mới lên