Tài chính quốc tế

EU lại có động thái ‘gây khó dễ’ Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga

(VNF) - Đại diện Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/2 đã đạt một thỏa thuận về nguyên tắc kiểm soát các đường ống nhập khẩu khí đốt bao gồm Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Nga.

EU lại có động thái ‘gây khó dễ’ Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự dán Dòng chảy Phương Bắc 2.

Theo Reuters, thỏa thuận này dự kiến sẽ thành luật trong vài tháng tới. Các quốc gia EU sau đó có khoảng 9 tháng để chuyển luật thành của từng nước.

Theo ông Miguel Arias Canete, Ủy viên EU về năng lượng và khí hậu, châu Âu sẽ từng bước khắc phục các lỗ hổng của các điều luật trong bối cảnh khu vực này ngày càng phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu. 

“Các quy định mới đảm bảo luật của EU sẽ được áp dụng cho các đường ống khí đốt dẫn đến châu Âu và những ai mong muốn xuất khẩu khí đốt cho châu Âu phải tôn trọng luật năng lượng của châu Âu”, ông Arias Canete nói.

Trước đó, các nước thành viên EU ngày 8/2 đã thông qua thỏa thuận do Pháp và Đức đề xuất, theo đó cho phép Berlin đóng vai trò là bên đàm phán chủ đạo với Nga liên quan hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Theo thỏa thuận đạt được giữa Paris và Berlin trước khi trình đại sứ các nước EU, Pháp và Đức nhất trí đảm bảo các quy định đối với hoạt động nhập khẩu khí đốt sẽ được áp dụng dựa trên "lãnh thổ và lãnh hải của nước thành viên nơi bố trí điểm kết nối đầu tiên" thay vì dựa trên "lãnh thổ của các nước thành viên EU" và/hoặc "lãnh hải các nước thành viên EU" như dự thảo thỏa thuận được đưa ra trước đó.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (muộn nhất vào cuối năm 2019), mỗi năm, hệ thống đường ống dài 1.225 km này sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.

Các nước Đức, Thụy Điển, Áo và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này. Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan vì cho rằng dự án mang màu sắc chính trị. Ngoài một số nước châu Âu, Mỹ cũng là nước phản đối dự án đưa trực tiếp khí đốt từ Nga tới Đức này.

Xem thêm >> Trung Quốc đã bí mật đối thoại với phe đối lập Venezuela tại Washington

Tin mới lên