Tài chính quốc tế

EU muốn khai tử chương trình 'hộ chiếu vàng' hậu bê bối quốc tịch Síp

(VNF) - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mới đây tuyên bố ủy ban này sẽ cân nhắc một số biện pháp gây sức ép lên các quốc gia thành viên nhằm chấm dứt chương trình bán “hộ chiếu vàng”, thậm chí có thể kiện chính phủ các nước này ra tòa.

EU muốn khai tử chương trình 'hộ chiếu vàng' hậu bê bối quốc tịch Síp

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

“Các giá trị của châu Âu không phải để đem bán”, SCMP dẫn lời bà Ursula von der Leyen phát biểu trước cuộc họp của EC.

Theo bà Leyen, Liên minh châu ÂU (EU) không thể dung thứ cho các hành vi xâm phạm nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Bà khẳng định “sẽ tiếp tục bảo vệ tính toàn vẹn của các tổ chức châu Âu”.

Người đứng đầu EC cũng tiết lộ ủy ban này đang xem xét một số biện pháp gây sức ép lên các quốc gia thành viên để chấm dứt chương trình bán "hộ chiếu vàng", thậm chí có thể kiện chính phủ các nước này ra tòa.

"Vì bản chất của hộ chiếu EU, những chương trình như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến cả khối… EU thường xuyên trình bày nỗi lo liên quan đến chương trình đầu tư đổi quốc tịch và rủi ro đi kèm, như rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng" một người phát ngôn của EC tuyên bố.

Trước đó, đài Al Jazeera (Qatar) hồi tháng 8 đưa tin chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP) của Síp (Cyprus) có sơ hở đối với rửa tiền và tham nhũng. Trong số hơn 1.400 cá nhân mua hộ chiếu vàng của Síp có khoảng 30 cá nhân đang bị khởi tố và 40 nhân vật giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ một số quốc gia.

Sau đó, tới đầu tháng 9, Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades cho biết đã có một số thiếu sót trong chương trình CIP. Do đó, nước này sẽ áp dụng nhiều bước để đưa ra cơ chế quản lý hiệu quả hơn.

Ông Anastasiades cho biết thêm, các quy tắc về cấp hộ chiếu được thắt chặt bao gồm tuân thủ luật chống rửa tiền, giám sát chặt chẽ hơn và thẩm định kỹ lưỡng cho thấy chương trình hộ chiếu của Síp phù hợp với các chính sách của EU.

Kể từ khi Síp bắt đầu thực hiện chương trình CIP, Liên minh châu Âu đã chỉ trích mạnh mẽ cơ chế này, cho rằng nó có thể là cửa sau để vào phần còn lại của châu Âu. Sau cuộc điều tra của Al Jazeera, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi thay đổi chương trình đầu tư lấy hộ chiếu mà Síp và các quốc gia thành viên EU khác đang áp dụng.

Ngoài Síp còn có 3 quốc gia thành viên EU cung cấp hộ chiếu và 12 quyền định cư thương mại thông qua chương trình "hộ chiếu vàng", gồm Bulgaria, Malta và Bồ Đào Nha.

Tại Malta, các nhà đầu tư có thể được cấp hộ chiếu nếu đóng góp 756.000 USD cho quỹ phát triển quốc gia, đầu tư 174.000 USD vào cổ phiếu hoặc trái phiếu được chính phủ phê duyệt, mua bất động sản tối thiểu 407.000 USD và cam kết cư trú trong ít nhất 5 năm.

Trong khi đó, công dân các nước không thuộc EU có thể sở hữu hộ chiếu Bồ Đào Nha với điều kiện mua bất động sản với giá trị tối thiểu là 580.000 USD. Với những khu vực thưa dân hoặc nằm trong diện tái phát triển, số tiền phải đầu tư sẽ ít hơn.

Tổ chức phi chính phủ Minh bạch quốc tế (Transparency International) của Đức cho biết trong giai đoạn 2008-2018, EU chào đón thêm 6.000 công dân và gần 100.000 cư dân thông qua chương trình "hộ chiếu vàng".

Xem thêm >> Ông Trump bị ‘tố’ không đóng thuế thu nhập trong 10 năm

Tin mới lên