Tài chính quốc tế

EU phạt Mastercard 570 triệu euro vì vi phạm luật chống độc quyền

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã phạt công ty Mastercard Worldwide 570,6 triệu euro (tương đương 648,3 triệu USD) vì cản trở lợi ích tốt hơn cho người sử dụng vốn có thể được hưởng từ các ngân hàng khác ở Liên minh châu Âu (EU).

EU phạt Mastercard 570 triệu euro vì vi phạm luật chống độc quyền

Trong tuyên bố ngày 22/1, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh, bà Margrethe Vestager, nêu rõ: "Bằng cách ngăn cản người sử dụng được hưởng lợi ích tốt hơn từ các ngân hàng khác, các quy định của Mastercard đã làm tăng chi phí thanh toán bằng thẻ, gây tổn hại cho người tiêu dùng và các nhà bán lẻ."

Số tiền 570,6 triệu euro là mức cuối cùng sau khi EC quyết định giảm 10% tiền phạt cho Mastercard vì công ty này đã thể hiện thái độ hợp tác trong quá trình điều tra.

Quyết định xử phạt Mastercard là động thái mới nhất trong hàng loạt quyết sách của EC nhằm giảm thiểu chi phí thẻ đối với người sử dụng trong một thập kỷ trở lại đây. Phía công ty này đã tỏ thái độ chấp thuận án phạt.

Mastercard Worldwide là công ty đa quốc gia có trụ sở ở Purchase New York, Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực thực hiện nghiệp vụ thanh toán giữa các ngân hàng của người mua và người bán sử dụng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng thương hiệu "MasterCard." Công ty trở thành mục tiêu điều tra chống độc quyền của EU từ tháng 4/2013.

Khi một người mua hàng thanh toán cho nhà bán lẻ bằng thẻ tín dụng, ngân hàng của nhà bán lẻ sẽ phải trả một khoản phí cho ngân hàng phát hành thẻ. Phí này ngân hàng của nhà bán lẻ tính vào nhà bán lẻ, làm tăng thêm phí của người mua hàng.

Trước năm 2015, mức phí giao dịch này khác nhau ở khắp châu Âu. Nhưng quy định của Mastercard ở thời điểm đó bắt buộc các ngân hàng nhận được thanh toán bằng thẻ phải áp dụng mức phí cố định ở các nước này.

Theo EC, tình trạng đó dẫn tới chi phí cao hơn cho nhà bán lẻ và người mua hàng, ngăn cản nhà bán lẻ được lợi ích hơn từ các mức phí thấp hơn đồng thời hạn chế cạnh tranh giữa các ngân hàng xuyên biên giới, vi phạm các luật chống độc quyền của EU.

Tin mới lên