Tiêu điểm

EuroCham: 'Một số đơn hàng đã được chuyển sang nước khác nhưng chưa nhà đầu tư nào rút khỏi Việt Nam'

(VNF) - Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết do phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần nhu cầu sản xuất/đơn hàng sang các nước khác nhưng đây chỉ là quyết định tạm thời, chưa có nhà đầu tư nào rút khỏi Việt Nam.

EuroCham: 'Một số đơn hàng đã được chuyển sang nước khác nhưng chưa nhà đầu tư nào rút khỏi Việt Nam'

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Ngày 9/9, EuroCham đã tham dự cuộc họp cấp cao với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các Bộ, ban ngành và các phái đoàn ngoại giao thuộc Liên minh Châu Âu nhằm thảo luận về những thách thức đang tồn tại trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Tại cuộc họp, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh quan điểm sống chung với virus để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ sinh kế.

“Không có gì ngụy tạo khi nói rằng đợt bùng phát dịch lần thứ tư này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Việt Nam. Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham hiện đang ghi nhận kết quả thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực”, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết.

Cuộc đối thoại được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu. Ảnh: VGP.

Cũng theo Eurocham, do phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần nhu cầu sản xuất/đơn hàng sang các nước khác. Bên cạnh đó, 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc chuyển dịch sản xuất.

"Tuy nhiên, đây là chuyển một phần hoạt động sản xuất tức là chuyển đơn đặt hàng nhưng là quyết định tạm thời, chưa có doanh nghiệp nào rời khỏi Việt Nam", Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

“Những gì các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi cần bây giờ là một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại; một giải pháp giải quyết các rào cản đối với hoạt động thương mại và cung cấp cho họ một lộ trình có thể dự đoán được để lên kế hoạch khởi động trở lại các hoạt động kinh doanh”, ông Candy nói.

Chủ tịch EuroCham cho biết một trong những vấn đề cấp bách nhất bây giờ là cần có hộ chiếu vaccine điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước.

“Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh quy trình cho phép lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia và gia đình của họ quay trở lại Việt Nam. Thủ tục hiện tại vừa tốn thời gian, vừa gây ra nhiều khó khăn, đồng thời, là rào cản đáng kể đối với các hoạt động thương mại và đầu tư, vốn là yếu tố cần thiết để đạt được tăng trưởng kinh tế sau đại dịch”, ông Candy nói.

Cũng theo Chủ tịch EuroCham, các chính sách "Ba tại chỗ" hiện tại cần được tinh chỉnh. Trong khi nó đúng về mặt nguyên tắc, quy định này trên thực tế lại đặt ra một gánh nặng rất lớn lên cả các công ty và người lao động của họ.

Ông Candy nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai tiêm chủng, ưu tiên những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất để cho phép mở cửa dần dần các tỉnh và thành phố, thúc đẩy các hoạt động thương mại trở lại bình thường; thống nhất các quy định nhằm giảm bớt tâm lý hoang mang cho các công ty và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; cùng với việc hợp lý hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan.

'Khi chưa có giải pháp căn cơ thì chọn giải pháp tốt nhất có thể'

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam; khuyến khích và mong muốn các nước EU hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào những lĩnh vực mà EU có nhu cầu, từng bước tạo cân bằng và hợp tác lâu dài, cùng có lợi về đầu tư và thương mại.

Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; khẳng định thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam. 

Thủ tướng nhấn mạnh đây chỉ là những khó khăn nhất thời, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và ban hành Nghị quyết số 105 ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng an toàn với dịch bệnh cả trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương đã trực tiếp giải đáp ngay những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; trong đó có nhiều vấn đề đã và đang được phía Việt Nam giải quyết, nhất là theo Nghị quyết số 105 vừa được Chính phủ ban hành, theo đó, các bộ ngành sẽ cụ thể hóa để sớm tổ chức thực hiện, các địa phương và doanh nghiệp cũng sẽ chủ động hơn trong áp dụng các giải pháp chống dịch.

Thủ tướng khẳng định phải đảm bảo việc duy trì sản xuất, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bên cạnh các biện pháp phòng dịch phù hợp với thực tiễn; thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược và tăng cường năng lực y tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ trưởng các bộ ngành liên quan và Chủ tịch UBND các địa phương xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn cụ thể, thống nhất, tạo thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện phương án tổ chức sản xuất trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. Các địa phương phải tích cực rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành các quy định không phù hợp với tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ về việc duy trì, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trước đề xuất của một số doanh nghiệp về vaccine, Thủ tướng khẳng định chủ trương tiêm miễn phí cho người dân, trong đó đã có chỉ đạo cụ thể về thiết lập đầu mối liên lạc và tiêm vaccine cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam; ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao, làm việc trong các chuỗi cung ứng tại doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp EU.

Nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các bên, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp EU và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép.

"Những gì đã làm được phải làm tốt hơn, khi chưa có giải pháp căn cơ thì chọn giải pháp tốt nhất trong các giải pháp có thể", Thủ tướng nêu rõ.

Xem thêm >> Bộ Ngoại giao: Việt Nam sẽ sớm triển khai ‘hộ chiếu vaccine Covid-19’

Tin mới lên