Thị trường

EVN miền Bắc đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn trong tình hình mới.

EVN miền Bắc đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trung tâm Điều độ Công ty Điện lực Vĩnh Phúc.

Từ chủ trương đến hiện thực

Theo mục tiêu, chiến lược của EVN, đến năm 2020, khoa học công nghệ (KHCN) điện đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030 hầu hết các lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; KHCN điện của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của một nước công nghiệp...

Để đạt được mục tiêu trên EVNNPC nhận thấy thời gian qua đơn vị chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chính là sản xuất, kinh doanh điện, nhiều cán bộ quản lý điều hành ít có điều kiện tham gia hoạt động KHCN.

Mặt khác, do năng lực nắm bắt công nghệ của người sử dụng chưa cho phép khai thác một cách triệt để các tính năng của thiết bị đã gián tiếp làm giảm hiệu quả đầu tư công trình, cũng như hạn chế khả năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, ảnh hưởng đến việc làm chủ trong lĩnh vực này.

Do vậy, EVNNPC xác định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, mà ứng dụng KHCN là một trong những động lực quan trọng nhất để NPC đầu tư phát triển và là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu.

NPC cũng đã quyết định thành lập phòng KHCN trực thuộc Ban kỹ thuật. Theo đó, NPC tập trung phát triển và ứng dụng KHCN theo xu hướng tích hợp hệ thống kết nối số hóa - vật lý, khuyến khích sử dụng thiết bị công nghệ kết nối Internet…

Trong năm 2017, NPC từng bước hoàn thiện việc sử dụng hiệu quả hệ thống SCADA/EMS/DMS trong điều độ vận hành hệ thống điện; nghiên cứu vận hành hệ thống điện lớn; nghiên cứu vận hành tối ưu hóa thời gian thực hệ thống điện, truyền tải, phân phối… 

Mặt khác, NPC cũng đã triển khai việc ứng dụng công nghệ đo đếm thông minh. Trong đó, ưu tiên khu vực đô thị, thành phố; sử dụng công nghệ công tơ đọc dữ liệu, thu nhận dữ liệu từ xa; nghiên cứu sự tham gia của khách hàng vào điều khiển nhu cầu phụ tải (Demand Response) và sự gia tăng của các thiết bị vận tải chạy điện.

Tính đến thời điểm hiện tại, NPC cơ bản đã hoàn thành việc lắp đặt công điện tử đo xa cho các trạm biến áp công cộng, trạm biến áp chuyên dùng ở phần lớn các công ty thành viên và đang phấn đấu nhân rộng lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng sau TBA.

Những điển hình đang được nhân rộng

Thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, chăm sóc khách hàng, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) đã đổi mới mạnh mẽ và là một trong những đơn vị đứng đầu EVNNPC.

Đến nay đã có 61.000 công tơ khách hàng của 723 trạm biến áp công cộng tại TP. Vĩnh Yên, và Thị xã Phúc Yên được thay thế bằng công tơ điện tử RF và thực hiện ghi chỉ số qua hệ thống đo xa tự động.

Sử dụng máy tính bảng kiểm tra tiền điện cho khách hàng tại Công ty Điện lực Thái Nguyên.

Tại Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên), ngoài hệ thống đường dây trung, hạ áp, PC Thái Nguyên quản lý vận hành gần 700km cáp quang, và một hệ thống mạng LAN, WAN kết nối tốc độ 1Gb, với 543 máy tính được cài đặt Windows bản quyền.

Bước vào năm 2017, PC Thái Nguyên đã triển khai lưới điện thông minh bằng sử dụng cáp quang nội bộ và thiết kế phần mềm chung, kết nối thêm 15 điểm MC Recloser đưa về phòng điều độ để điều khiển và giám sát. Theo đó, đơn vị này đã lắp đặt 80 bộ cảnh báo sự cố kết nối và truyền tín hiệu thông tin vận hành về Trung tâm điều khiển và nhắn tin tới số điện thoại của các lãnh đạo qua giao thức tiên tiến hiện hành…

PC Thái Nguyên đã phối hợp triển khai trung tâm điều khiển từ xa 110kV trên phần mềm SCADA DMS nhằm điều chỉnh điện áp giờ cao điểm chính xác, kịp thời góp phần giảm tổn thất trên lưới điện trung thế….

Cùng với đó đơn vị này còn triển khai lắp đặt hệ thống giám sát từ xa của trạm trung gian 35kV, nhằm duy trì ổn định việc giám sát thông số, theo dõi chế độ vận hành, giảm bớt người quản lý trực tiếp tại trạm.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh dịch vụ khách hàng ở Công ty Điện lực Bắc Ninh (PC Bắc Ninh) cũng rất đáng ghi nhận. Từ năm 2014, PC Bắc Ninh đã áp dụng việc phát hành hóa đơn điện tử tại 10 điện lực trực thuộc, gắn với việc đẩy mạnh thu tiền điện qua ngân hàng, qua ATM, thu hộ tiền điện…

Ngoài ra, ghi chỉ số bằng máy tính bảng cũng giúp cho việc tìm kiếm khách hàng nhanh chóng, giảm sai sót, thống kê được những trường hợp chưa ghi sổ. Đặc biệt, chương trình phát triển khách hàng bằng máy tính bảng còn giúp cho việc lập dự toán vật tư, thông báo tiền nhân công cho khách hàng sau khi khảo sát xong và quyết toán vật tư cấp mới chính xác.

Tại Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, Thái nguyên, Bắc Giang việc sử dụng máy tính bảng để để lắp đặt hệ thống đo xa công tơ điện tử của những khách hàng có sản lượng lớn, các trạm biến áp công cộng, đã góp phần quan trọng trong việc theo dõi sản lượng, giám sát điện năng tiêu thụ, cảnh báo, phát hiện kịp thời các trường hợp bất thường trong quản lý kỹ thuật chống tổn thất điện năng, cũng như thống kê và lập kế hoạch cung ứng điện hàng năm…

Tin mới lên