Ngân hàng

Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 tăng gấp đôi, trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu

(VNF) - Sau khi chi trả cổ tức, vốn điều lệ của Eximbank sẽ tăng từ 12.355 tỷ đồng lên 14.814 tỷ đồng. Số vốn mới sẽ giúp Eximbank đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 tăng gấp đôi, trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu

Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 tăng gấp đôi, trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 lần thứ hai với tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham gia là 94,82%. Trước đó, đại hội lần thứ nhất năm 2022 diễn ra vào tháng 4 đã không thể tiến hành vì tỷ lệ tham gia chỉ có gần 56%.

Đại hội Eximbank đã thông qua phương án chi trả cổ tức với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn, lấy từ nguồn lợi nhuận để lại trong giai đoạn 2017-2021. Lần chia cổ tức gần nhất của Eximbank là 2013 với tỷ lệ 4%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 4 cổ phiếu mới.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, lợi nhuận chưa phân phối lũy kế của Eximbank sau khi trích lập các quỹ là gần 2.937 tỷ đồng. Dự kiến sau khi chia cổ tức, khoản lợi nhuận tích lũy này sẽ giảm còn gần 480 tỷ đồng, được giữ lại để củng cố và nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng.

Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Eximbank sẽ tăng từ 12.355 tỷ đồng lên 14.814 tỷ đồng. Số vốn mới sẽ giúp Eximbank đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Năm 2022, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm; huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 7,4%.

Dư nợ cấp tín dụng (dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 127.149 tỷ đồng, tăng 10%, đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thông báo, trong trường hợp điều kiện kinh doanh thuận lợi, Eximbank sẽ xin phép xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 1,7% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, cao gấp đôi thực hiện năm 2021.

Ngoài ra, các cổ đông cũng thông qua tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở chính Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM.

Ở chiều ngược lại, đại hội đã không thông qua 2 tờ trình, đó là tờ trình về việc sửa đổi điều lệ người đại diện pháp luật ngân hàng bổ sung thêm tổng giám đốc hoặc chủ tịch hội đồng quản trị trong thời gian khuyết chức danh tổng giám đốc; và tờ trình báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu Sacombank (STB).

Theo văn bản của Eximbank, vào thời điểm trước tháng 11/2017, ngân hàng có sở hữu hơn 165 triệu cổ phiếu STB, tương đương 8,6% vốn điều lệ và là cổ đông lớn của Sacombank.

Để đảm bảo tuân thủ quy định, Eximbank cần phải bán cổ phiếu STB xuống dưới 5% số cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank. Kết quả, ngân hàng đã bán 142,4 triệu cổ phiếu với giá trên 13.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cũng đã bán 22,8 triệu cổ phiếu dưới mức giá được phê duyệt.

Đây không phải là lần đầu tiên đại hội đồng cổ đông tổ chức thành công nhưng tờ trình không được thông qua. Ngày 15/2 trước đó, cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần thứ hai của Eximbank diễn ra thành công. Ngân hàng hoàn tất bầu thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới nhưng nhiều tờ trình nêu trong đại hội không được thông qua như báo cáo hoạt động, phân phối lợi nhuận, báo cáo tài chính, xây trụ sở, hoạt động của hội đồng quản trị, ban hành quy chế quản trị mới,…

Cũng tại kỳ đại hội lần này, trước câu hỏi của cổ đông về lo ngại hội đồng quản trị có thể bị chi phối bởi nhiều nhóm cổ đông, bà Lương Thị Cẩm Tú, tân chủ tịch hội đồng quản trị được bầu hồi tháng 2 vừa qua, khẳng định rằng không có nhóm cổ đông nào hoặc nhóm lợi ích nào có thể chi phối hoạt động hội đồng quản trị Eximbank.

Tin mới lên