Ngân hàng

Fed 'chịu đau' tăng mạnh lãi suất, những phản ứng của Việt Nam

(VNF) - Việc Fed tăng mạnh lãi suất có tác động đến thị trường tiền tệ Việt Nam, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải nâng tỷ giá và lãi suất có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đồng VND vẫn tương đối ổn định.

Fed 'chịu đau' tăng mạnh lãi suất, những phản ứng của Việt Nam

Tỷ giá VND/USD tăng mạnh nguy cơ bào mòn quỹ dự trữ ngoại hối Việt Nam.

Điều hành tỷ giá: Đón đầu – chống sốc

Rạng sáng nay (22/9, giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định nâng lãi suất mục tiêu thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 trong năm nay lên ngưỡng từ 3,00-3,25%.

Ngay sau quyết định này, USD Index (thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác) vọt tăng lên mức gần 112 điểm. Chỉ số này đã tăng khoảng 16% trong năm nay và thiết lập mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1981.

Quyết định này của Fed khiến thị trường tài chính thế giới biến động dữ dội. Trong khi USD tăng cao kỷ lục thì vàng và chứng khoán giảm điểm mạnh.

Tại Việt Nam, phản ứng trước quyết định tăng lãi suất của Fed, hôm nay (22/9), NHNN tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm lên mức kỷ lục mới, 23.316 đồng, tăng 15 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh lên sát ngưỡng 24.000 đồng.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh lãi suất đồng loạt tăng trên toàn thế giới và việc Fed kiên trì với lập trường tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát thì áp lực lên tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm là rất lớn và không loại trừ khả năng NHNN sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá bán USD.

Thực tế, Việt Nam đồng đã duy trì được đà mất giá so với USD ở mức thấp, dưới 3% trong 7 tháng đầu năm nay. Nhưng từ giữa tháng 8, tiền đồng đã liên tục mất giá mạnh so với USD.

Dù NHNN đã đưa ra nhiều chính sách trong thời gian gần đây, trong đó có việc bán một khối lượng lớn USD từ dự trữ ngoại hối nhằm hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ trên thị trường thì tỷ giá vẫn tăng, nhu cầu USD trong hệ thống vẫn không hạ nhiệt. Và NHNN đã buộc phải nâng tỷ giá.

Vào ngày 7/9 vừa qua, NHNN đã quyết định nâng giá bán ngoại tệ từ mức 23.400 đồng/USD lên 23.700 đồng/USD, cao hơn 1,3% so với tỷ giá thay đổi lần gần nhất vào ngày 4/7, để ổn định thị trường. Điều này cho thấy NHNN chấp nhận cho tiền đồng mất giá thêm trong bối cảnh khó cân đối cung - cầu tiền trong hệ thống.

Trước đó, NHNN cũng đã có một số động thái đi trước khá mạnh tay trong việc điều hành tỷ giá. Từ tuần trước, NHNN đã trở lại sử dụng lại công cụ phát hành tín phiếu nhằm điều tiết thanh khoản trên thị trường, sau một thời gian tạm dừng khá lâu. Theo đó, NHNN đã phát hành 44,6 nghìn tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất phát hành đã được đẩy lên 4%.

Bên cạnh đó, từ 12 - 16/9, NHNN đã hút ròng tổng cộng 59.600 tỷ đồng thông qua kênh hoạt động thị trường mở. Cùng với đó, NHNN tiếp tục sử dụng cơ chế đấu thầu lãi suất để bơm ròng khoảng 58.000 tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở (OMO).

Sang tuần này, NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng ngày 21/9. Khi NHNN cấp tập hút tiền về, lãi suất VND liên ngân hàng đã bật tăng trở lại. Hiện lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tiếp tục tăng lên mức 4,68%,tăng 0,18 điểm phần trăm so với cuối tuần trước; còn lãi suất kỳ hạn 1 tuần vẫn ổn định ở mức 4,8% và kỳ hạn 1 tháng lên 5,28%.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, NHNN đang có xu hướng điều tiết thanh khoản trên hệ thống ngân hàng duy trì ở mức vừa đủ, không còn quá dồi dào trước nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND phù hợp và có mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.

Lãi suất trong nước sẽ tăng?

Chỉ đạo đầu tiên sau động thái mạnh tay của FED, Thủ tướng Chính phủ nhận định những diễn biến thế giới gần đây đã ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, giá trị đồng tiền, tác động quỹ điều hoà ngoại hối của Việt Nam. Thủ tướng yêu , Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên, trước mắt nghiên cứu hướng tăng lãi suất huy động; ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực.

Trong khi đó, giới chuyên gia đánh giá quyết định của Fed sẽ ít ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng Việt Nam do NHNN đã có sự chuẩn bị từ trước cho viễn cảnh Fed tăng lãi suất. Lãi suất trong nước gần đây có xu hướng tăng lên. Lãi suất qua đêm ở mức 4 - 5%, tạo sự chênh lệch lớn với lãi suất USD ở thời điểm hiện tại.

Nhờ các biện pháp điều hành linh hoạt của NHNN, đồng VND vẫn tương đối ổn định, bám sát mục tiêu không mất giá quá 3% trong năm nay.

Trong thời gian tới, cơ quan điều hành tiền tệ cần tiếp tục duy trì chính sách như hiện nay để lạm phát giữ được ở mức thấp. Bên cạnh đó, NHNN cần phải nỗ lực để giữ ổn định tỷ giá nhưng vẫn phải linh hoạt với thị trường.

Muốn kiểm soát lạm phát, giữ tỷ giá, yêu cầu bắt buộc là phải tăng lãi suất. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19, Chính phủ đang chỉ đạo ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là bài toán khó với nhà điều hành.
Việc Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá nhiều so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới, VND vì thế cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất giá.

Áp lực tăng lãi suất của Việt Nam hiện nay rất lớn khi chịu tác động của cả việc Fed tăng lãi suất và nhu cầu tín dụng trong nước tăng cao. Hơn nữa, hiện nay, việc mất cân đối giữa huy động - cho vay đã lên tới 7%, điều này cũng sẽ gây sức ép không nhỏ lên đà tăng lãi suất.

Dự báo về lãi suất những tháng cuối năm, một số ý kiến cho rằng lãi suất huy động trong năm nay có thể tăng từ 1-1,5%. Lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, song có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động.

Tin mới lên