Tài chính quốc tế

Fed tăng lãi suất, châu Á nguy cơ rơi vào khủng hoảng tài chính

Giới phân tích cho rằng việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây ra những rủi ro đáng kể, nhưng sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á như trong quá khứ.

Fed tăng lãi suất, châu Á nguy cơ rơi vào khủng hoảng tài chính

Fed tăng lãi suất, châu Á có rơi vào khủng hoảng tài chính?

Lịch sử khó lặp lại

Nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - thời kỳ mà Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ và đồng đô la Mỹ cũng mạnh lên.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng lịch sử đó khó có thể lặp lại, mặc dù một số nền kinh tế của châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương bởi đồng tiền mất giá.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào ngày 21/9 sau cuộc họp chính sách tháng 9; đồng thời phát tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức "kịch kim" là 4,6% vào năm 2023.

Trong năm 2022, Fed tiếp tục thực hiện kế hoạch quyết liệt chống lại lạm phát và dự kiến nâng lãi suất lên 4,4%, theo dự báo trung bình được Fed công bố vào ngày 21/9. Từ nay đến hết năm 2022, Fed chỉ còn hai cuộc họp chính sách, nên rất có thể cơ quan này sẽ tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong những tháng còn lại.

Trong quá khứ, Fed cũng tăng lãi suất cao như vậy vào những năm 1990, khiến dòng vốn đã tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi của châu Á sang Mỹ. Đồng baht của Thái Lan và nhiều đồng tiền khác của châu Á "sụp đổ" đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và kéo thị trường chứng khoán đi xuống.

Tuy nhiên, giới phân tích lý giải, lần này nền tảng của các thị trường mới nổi của châu Á đã vững chắc hơn so với 25 năm trước và có khả năng hấp thụ tốt hợp các áp lực dội vào tỷ giá hối đoái.

Đơn cử, do lượng tài sản mà người nước ngoài nắm giữ ở châu Á đã giảm đi, nên hoạt động chuyển vốn ra khỏi châu Á sẽ gây ra ít tổn thương đến thị trường tài chính trong khoảng thời gian này, ông Tan Teck Leng, Giám đốc điều hành phụ trách ngoại hối khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Quỹ quản lý tài sản toàn cầu UBS, nhận định.

"Tôi nghĩ điều này gợi lại những hồi ức về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trước kia, nhưng nhìn chung cơ chế tỷ giá hối đoái đến nay đã linh hoạt hơn rất nhiều so với trước", ông Leng nhận xét.

"Và nếu xét riêng về lượng tài sản người nước ngoài nắm giữ ở châu Á, tôi nghĩ rằng tỷ lệ nắm giữ này đã không tăng lên", ông Leng nói thêm. Do đó, "tôi không nghĩ rằng chúng ta đang bên bờ của sự sụp đổ hoàn toàn về tiền tệ".

"Nhưng, tôi nghĩ (tình hình) phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm (lãi suất) Fed đạt đến đỉnh điểm uốn", ông Leng lưu ý.

Đại diện Quỹ quản lý tài sản toàn cầu UBS cũng cho rằng trong số các loại tiền tệ đang gặp nhiều rủi ro, đồng peso của Philippines là một trong những đồng tiền dễ bị tổn thương nhất, do thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Trong bối cảnh tỷ giá với đô la Mỹ tăng cao, các đồng tiền của Philippines, Ấn Độ và Thái Lan "sẽ là những đồng tiền dễ bị suy yếu trong ngắn hạn nhất ở châu Á".

Tuy nhiên, mới đây Ngân hàng Trung ương Philippines đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản; đồng thời cho biết rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện các đợt tăng lãi suất trong thời gian tới. Việc giảm chênh lệch tiền tệ so với đô la Mỹ được cho là sẽ giúp giảm rủi ro của các luồng chuyển vốn ra khỏi thị trường này và sụp đổ tỷ giá hối đoái.

Trong khi đó, ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global Ratings, cho rằng các nền kinh tế có chính sách tiền tệ "từ tốn" hơn (những nền kinh tế không tăng lãi suất theo chân Mỹ) chẳng hạn như Nhật Bản, cũng có thể chứng kiến đồng tiền của họ bị suy yếu.

Ông Kuijs cảnh báo, áp lực trượt giá đối với các đồng tiền của châu Á có thể tăng lên, sau thông tin Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng không cho rằng châu Á sắp đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 1997.

Knh tế châu Á hiện "vững mạnh hơn trước"

“May mắn thay, cơ chế chính sách của các thị trường mới nổi ở châu Á đã tốt hơn so với trước và các nhà hoạch định chính sách đã có sự chuẩn bị tốt hơn. Các ngân hàng trung ương hiện cũng giữ tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nhiều", ông Kuijs bình luận trên đài CNBC.

"Họ (các thị trường mới nổi của châu Á) chủ yếu để tỷ giá hối đoái hấp thụ các áp lực bên ngoài, thay vì hỗ trợ tiền tệ bằng cách bán dự trữ ngoại hối", ông Kuijs phân tích. "Ngoài ra, các chính phủ [ở thị trường mới nổi] châu Á đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng hơn trong những năm gần đây so với trước cuộc khủng hoảng năm 1997", chuyên gia S&P Global Ratings nói thêm.

Ông Manishi Raychaudhuri, chuyên gia đầu tư thị trường châu Á tại Ngân hàng đầu tư BNP Paribas (Pháp), đánh giá: "Tình hình hiện tại không giống như sự tàn phá mà họ (các nền kinh tế - BTV) đã đối mặt trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trước kia", chủ yếu là do bảng cân đối kế toán của các nền kinh tế đã lành mạnh hơn và dự trữ ngoại hối đã nhiều hơn trước. Cần lưu ý rằng dự trữ ngoại hối cạn kiệt là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của đồng baht Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Theo đánh giá của ông Bert Hofman, giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, một số nền kinh tế châu Á cũng đang duy trì thặng dư cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối lành mạnh hơn nhờ những nỗ lực như cơ chế Đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (CMIM) năm 2010 - một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương giữa các thành viên ASEAN+3.

Dù vậy, ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho, vẫn cho rằng sự bất ổn về ngoại hối của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ vẫn đáng kể và có khả năng sẽ gây ra những khó khăn tương tự như hiện tượng dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường năm 2013 - một phản ứng mạnh mẽ của thị trường châu Á đối với quyết định nới lỏng định lượng của Fed thông qua bán tháo ồ ạt trái phiếu và cổ phiếu.

"Nỗi lo về một cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới và sự sụp đổ ngoại hối của các thị trường mới nổi ở châu Á được cho là đang bị thổi phồng quá mức… nhưng điều đó cũng nói lên rằng, mối đe dọa về những bất ổn trên thị trường ngoại hối đã không vơi đi", ông Vishnu Varathan nhấn mạnh.

Bất chấp những lo ngại khủng hoảng tài chính, một số thị trường tiền tệ vẫn ghi nhận diễn biến tích cực. Đơn cử, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang cho thấy khả năng phục hồi, theo ông Dwyfor Evans, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty môi giới đầu tư State Street Global Markets.

Ông Evans cho biết: "Rất nhiều người lo ngại sự trượt giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc", nhưng trên thực tế, khi so với các đồng tiền khác trong khu vực, đồng nhân dân tệ vẫn tương đối ổn. "Nó (đồng nhân dân tệ - BTV) là loại tiền tệ rất ổn định so với rổ tiền tệ của khu vực", ông Evans đánh giá.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý rằng sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể làm gia tăng dòng vốn chảy vào và rời thị trường này, và điều đó có thể tác động đáng kể đến sức mạnh của đồng nhân dân tệ.

Tin mới lên