Tài chính quốc tế

Fed tăng lãi suất: Dầu và USD phản ứng trái ngược, chứng khoán châu Á ‘tuột dốc’

(VNF) - Các thị trường trên khắp thế giới đã có phản ứng trái chiều sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố tăng lãi suất thêm 0,75% vào ngày 21/9, theo Reuters.

Fed tăng lãi suất: Dầu và USD phản ứng trái ngược, chứng khoán châu Á ‘tuột dốc’

Quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khiến thị trường biến động.

Giá dầu giảm

Sau khi Fed tăng lãi suất đáng kể để kiềm chế lạm phát, giá dầu đã sụt giảm trước lo ngại nền kinh tế toàn cầu phủ bóng đen lên nhu cầu nhiên liệu trong tương lai.

Giá dầu Brent giao sau giảm 16 cent, tương đương 0,2%, xuống 89,67 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 15 cent xuống 82,79 USD/thùng.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nhu cầu tiêu thụ xăng của Mỹ trong 4 tuần qua giảm xuống 8,5 triệu thùng/ngày (bpd), mức thấp nhất kể từ tháng 2. Với động thái mới nhất của Fed, dự kiến nhu cầu về xăng dầu tại Mỹ sẽ còn giảm sâu hơn nữa, tác động mạnh tới giá dầu trong nước.

USD tăng cao

Trong khi đó, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ vào phiên 22/9 so với các đồng tiền lớn khác trên thế giới.

Cụ thể, chỉ số USD đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2002 là 111,65 và sức mạnh của đồng bạc xanh đã đưa đồng AUD của Australia giảm 0,63% xuống 0,65915 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, đồng CAD của Canada cũng xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Đồng bảng Anh cũng ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 37 năm, khi còn 1.1233 USD. Đồng won của Hàn Quốc lần đầu tiên trượt qua mốc 1.400 won/USD kể từ năm 2009. Đồng baht Thái Lan, đồng ringgit Malaysia và SGD cũng đều sụt giảm.

Đồng yên đã giảm khoảng 20% so với USD trong năm nay, ở mức 144,29 yên/USD, gần mức thấp nhất trong 24 năm. Đồng NDT của Trung Quốc đang ở mức yếu hơn 7 NDT/USD.

Trong khi đó, đồng EUR cũng chìm xuống mức thấp nhất trong 20 năm là 0,9810 USD sau động thái từ Fed và bị ảnh hưởng bởi việc Nga ra lệnh huy động quân dự bị để chiếm ưu thế trong chiến sự với Ukraine.

Chứng khoán châu Á “đỏ lửa”

Thị trường chứng khoán châu Á cũng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản (.N225) giảm 1%, chỉ số Topix suy yếu 0,8%, chỉ số Kospi mất 1% trong khi chỉ số Hang Seng tương lai đi ngang. Chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Mỹ giảm gần 6% do tâm lý chịu thêm tác động từ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Loan, cũng như việc Nga leo thang chiến sự với Ukraine.

Giá hợp đồng tương lai của Mỹ S&P 500 giảm 0,6%, thấp hơn 20% so với mức cao kỷ lục trong tháng 1. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm tăng cao tới 4,1230%, cao hơn mức kỷ lục 4,0848% hồi năm 2007, trong khi lợi suất 10 năm giảm 6 bps xuống 3,5120%.

Các thị trường ở châu Á cũng phải đối mặt với một loạt các cuộc họp của ngân hàng trung ương trong khu vực. Đài Loan, Indonesia và Philippines đều sẽ tăng tỷ giá vào sáng 22/9.

Xem thêm >> Fed tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp, 'chịu đau' để đánh bại lạm phát

Tin mới lên