Tài chính

FinCEN: HSBC giúp những kẻ lừa đảo chuyển hàng triệu USD

Theo những thông tin được tiết lộ từ các báo cáo mà Tổ chức các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thu thập được, HSBC đã giúp những kẻ lừa đảo theo mô hình Ponzi chuyển hàng triệu USD trên toàn cầu.

FinCEN: HSBC giúp những kẻ lừa đảo chuyển hàng triệu USD

FinCEN: HSBC giúp những kẻ lừa đảo chuyển hàng triệu USD

Tổ chức các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố một số báo cáo cho thấy họ thu thập được tài liệu về các giao dịch đáng ngờ của nhiều ngân hàng lớn trên toàn cầu.

Đây là các báo cáo về hoạt động bất chính (SAR) mà các ngân hàng gửi tới Mạng lưới chống tội phạm tài chính (FinCEN) về các giao dịch mà họ tin rằng nằm trong nhóm âm mưu rửa tiền, phạm tội hoặc các hoạt động phạm pháp khác.

Về bản chất, SAR không phải các chứng cứ vi phạm. Đây là tài liệu mà nhà băng gửi tới nhà quản lý khi nghi ngờ khách hàng có các hành vi bất chính. Tuy nhiên, nếu nhận thấy khách hàng các hành vi phạm tội, nhà băng cần ngừng việc chuyển tiền, cũng như các giao dịch khác.

Có khoảng 2.657 báo cáo SAR đã bị tiết lộ qua website BuzzFeed, trong đó trọng tâm là 2.100 báo cáo có đề cập cụ thể tới hành vi của các nhà băng liên quan tới các giao dịch bất chính.

Trong đó, BBC trích dẫn các tài liệu cho thấy, HSBC đã chuyển tiền mặt từ Mỹ tới các tài khoản của HSBC tại Hồng Kông năm 2013, 2014 và đóng vai trò nhất định trong vụ lừa đảo trị giá 80 triệu USD.

Cụ thể, vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi mà HSBC có liên quan được gọi là WCM777. Ming Xu – một người Trung Quốc sinh sống tại Mỹ tự xưng là Tiến sĩ Phil, đóng vai trò là mục sư tại các nhà thờ Tin Lành. Ming Xu tuyên bố mình đang điều hành một ngân hàng đầu tư toàn cầu mang tên World Capital Market và thường xuyên tổ chức các hội thảo, từ đó huy động được khoảng 80 triệu USD từ việc bán các cơ hội đầu tư. Ming Xu cam kết có thể trả lợi nhuận 100% trong 100 ngày và thu hút được lượng vốn lớn từ cộng đồng cư dân.

Cơ quan quản lý tại California đã thông báo với HSBC việc điều tra WCM777 kể từ tháng 9/2013. HSBC cũng phát hiện các giao dịch đáng ngờ tại hệ thống của mình nhưng tới tháng 4/2014, các tài khoản liên quan tới vụ việc tại HSBC Hồng Kông mới bị đóng. Tới khi này, tất cả tiền trong tài khoản đã được chuyển đi.

Ảnh hưởng của phi vụ lừa đảo Ponzi này không chỉ về tài chính mà còn dẫn tới cái chết của nhà đầu tư Reynaldo Pacheco tại California tháng 4/2014.

Cảnh sát cho biết người đàn ông này đã bị ném đá đến chết, nguyên nhân có thể xuất phát từ việc ông đã tham gia vào mô hình của Ming Xu và kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác tham gia.

Theo các báo cáo SAR được tiết lộ, HSBC đã gửi báo cáo giao dịch đáng ngờ đầu tiên vào ngày 29/10/2013 có liên quan tới hơn 6 triệu USD được gửi tới tài khoản tại Hồng Kông.

Báo cáo tiếp theo gửi vào tháng 2/2014 xác định 15,4 triệu USD tiếp tục được gửi có liên quan tới mô hình Ponzi kể trên. Báo cáo thứ ba là giao dịch trị giá gần 9,2 triệu USD.

Tuy nhiên, HSBC bị chỉ trích vì đã chậm trễ trong hành động, khi chỉ đóng các tài khoản đáng ngờ vào thời điểm tháng 4/2014.

Bên cạnh đó, các phân tích của ICIJ cho thấy, giai đoạn 2011 – 2017, HSBC đã xác định được các giao dịch bất thường qua hệ thống của mình với giá trị hơn 1,5 tỷ USD và khoảng 900 triệu USD trong số này có liên quan tới các hoạt động tội phạm.

Phản hồi trước các thông tin bị công bố, HSBC cho biết, kể từ năm 2012, Ngân hàng đã có chiến lược nâng cao hơn nữa khả năng đối phó với tội phạm tài chính và hiện đã đạt được mức độ an toàn cao hơn rất nhiều so với thời điểm đó.

Tin mới lên