Học thuật

Fisher, Irving (1867-1947) là ai?

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Fisher, Irving (1867-1947) là ai?

Fisher, Irving (1867-1947) là ai?

Fisher, Irving (1867-1947) là một trong những nhà kinh tế vĩ đại nhất của Mỹ. Ông là người đồng sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Kinh tế lượng vào năm 1930.

Fisher, Irving (1867-1947) là một trong những nhà kinh tế vĩ đại nhất của Mỹ. Ông là người đồng sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Kinh tế lượng vào năm 1930. Các công trình nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung vào việc tìm kiếm khả năng vận dụng bằng số, vì theo ông lý thuyết sẽ không có tác dụng nếu không dẫn tới nghiên cứu ứng dụng và phân tích mặt lượng trên cơ sở số liệu thực tế. Năng lực của ông chủ yếu tập trung ở khả năng kết hợp các lý thuyết khác nhau một cách nhất quán về logic và cực kỳ dễ hiểu. Ông có những đóng góp quan trọng vào các vấn đề tư bản, lãi suất, tiền tệ, chỉ số, lý thuyết về đỗ trễ phân phối.

Trong cuốn Bản chất của tư bản và thu nhập (1906), ông đã phân tích mối quan hệ giữa hai khái niệm này và lý giải giá trị tư bản bằng cách đưa ra khái niệm giá trị chiết khấu của dòng thu nhập tương lai dự kiến. Trong cuốn Sức mua của tiền (1911), ông đã xấy dựng lý thuyết số lượng tiền tệ và đưa ra phương trình số lượng nổi tiếng sau đây:

                                                                        MV = PQ

trong đó, M là khối lượng của tiền tệ trong lưu thông,, V là tốc độ lưu thông hay chu chuyển của tiền, Q là tổng khối lượng giao dịch và P là mức giá. ông sử dụng phương trình này để lý giải nguyên nhân của sự thay đổi mức giá khi giả định VQ không thay đổi. Ông cũng ý thức được những hạn chế của lý thuyết này vì VQ có thể thay đổi. Trong cuốn Lý thuyết về lãi suất (1930), ông đã lý giải quá trình xác định lãi suất bằng cách đưa ra quan điểm cân bằng cung cầu về vốn vay. Sự cân bằng này còn chịu ảnh hưởng của sở thích theo thời gian, năng suất của đầu tư và tỷ lệ lợi nhuận so với chi phí.

Trong cuốn Xây dựng chỉ số (1922), ông tìm cách xác định các đặc tính của một chỉ số khả thi tốt nhất để phản ánh những thay đổi trong sức mua của tiền và cho rằng số bình quân nhân của chỉ số Laspeyres và Paasche là chỉ số lý tưởng nhất. Ngoài việc nhận thức được mối quan hệ giữa hiện tại và tương lai khi xác định giá trị của tư bản bằng giá trị chiết khấu của các khoản thu nhập tương lai, ông cũng nhận thấy mối liên hệ trực tiếp, gắn bó giữa hiện tại và quá khứ. Chính nhận thức này đã thôi thúc ông nghiên cứu cá tính chất của độ trễ phân phối.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới lên