Ngân hàng

Fitch ‘khen’ môi trường kinh doanh ngân hàng của Việt Nam

(VNF) - Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới đây đã nâng xếp hạng đối với một loạt ngân hàng tại Việt Nam, đồng thời đánh giá tích cực về sự cải thiện trong môi trường kinh doanh ngân hàng.

Fitch ‘khen’ môi trường kinh doanh ngân hàng của Việt Nam

Fitch đánh giá cao sự cải thiện trong việc hoạch định chính sách kinh tế từ các nhà chức trách Việt Nam

Cụ thể, Fitch nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) đối với MBBank từ B lên B+. Đồng thời giữ nguyên xếp hạng với ACB ở mức B và VietinBank, Vietcombank và Agirbank ở mức B+.

Cùng với đó, Fitch nâng xếp hạng sức mạnh độc lập (VR) của VietinBank và Vietcombank lên "b" từ mức "b-" và nâng sức mạnh độc lập của MBBank từ b lên b+.

Fitch đánh giá tích cực về môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam với sự cải thiện trong việc hoạch định chính sách kinh tế từ các nhà chức trách, giúp thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và gia tăng khả năng dự báo. Điều này đã cho phép các ngân hàng giảm đáng kể rủi ro đối với các khoản nợ xấu kéo dài, từ lâu đã là gánh nặng trên bảng cân đối kế toán khiến các ngân hàng phải bù đắp tổn thất.

Bên cạnh đó, những điểm yếu trước đây của hệ thống ngân hàng như vốn mỏng và khả năng sinh lời yếu được kỳ vọng giải quyết thỏa đáng hơn trong thời gian dài tới.

Lý giải về quyết định, với trường hợp MBBank, Fitch cho biết, MBBank có nguồn vốn sẵn sàng để sử dụng cao hơn so với các ngân hàng khác và chất lượng tài sản liên tục cải thiện.

Điều này thể hiện ở sự đa dạng trong cơ cấu vốn vay và việc tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 6,8% của năm 2015 xuống 2,9% cuối năm 2017.

Đặc biệt, tỷ lệ vốn cấp 1 theo đánh giá của Fitch tại MBBank là 11,4% vào giữa năm 2017, là mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Fitch kỳ vọng MBBank tiếp tục có khả năng sinh lời cao hơn ngân hàng khác, với tỷ suất lợi nhuận ròng và cơ cấu chi phí thấp hơn, qua đó giúp gia tăng vốn tự có của ngân hàng.

Với trường hợp của ACB, Fitch cho biết, tỷ lệ nợ xấu của ACB đã cải thiện đáng kể sau khi trích lập toàn bộ nợ xấu bán cho VAMC vào năm 2017. Chất lượng các khoản vay cũng được đánh giá tốt hơn so với hầu hết ngân hàng khác.

Fitch cho rằng khả năng sinh lời của ACB sẽ tiếp tục gia tăng gánh nặng nợ xấu, kéo theo là gánh nặng chi phí tín dụng đã giảm đáng kể. Tỷ suất lợi nhuận trên rủi ro hoạt động của ngân hàng tăng từ mức trung bình 1,2% (giai đoạn 2012-2016) lên 1,9% trong 6 tháng đầu năm 2017.

Lý giải về trường hợp VietinBank và Vietcombank, Fitch đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng này đã có sự cải thiện trong thời gian qua. Nợ xấu thực tế (bao gồm cả nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng và nợ xấu tiềm ẩn) đã giảm từ mức 5,1% và 3,4% vào cuối năm 2015 xuống 2,4% và 2,8% vào cuối tháng 6/2017.

Bên cạnh đó, Fitch nhấn mạnh rằng 2 ngân hàng nhà nước này có lợi thế hơn các ngân hàng tư nhân trong thời kỳ căng thẳng, vì được người gửi tiền tín nhiệm hơn.

Đối với Agirbank, Fitch không thực hiện xếp hạng sức mạnh độc lập do Agribank thuộc sở hữu của chính phủ và việc hỗ trợ cho nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến hồ sơ độc lập của ngân hàng này.

Tin mới lên