Tài chính quốc tế

Forever 21 phá sản: Điềm xấu của xu hướng fast fashion?

Xu hướng thời trang “fast fashion” (thời trang mì ăn liền) liệu có biến mất sau khi hãng thời trang nổi tiếng thế giới Forever 21 của Mỹ nộp đơn phá sản?

Forever 21 phá sản: Điềm xấu của xu hướng fast fashion?

Một cửa hàng của hãng thời trang Forever 21.

Hãng thời trang nổi tiếng thế giới Forever 21 (Mỹ) đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm 29/9, qua đó ghi tên vào danh sách những công ty truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gia tăng cạnh tranh từ các trang bán hàng trực tuyến như Amazon và những xu hướng thời trang đang biến đổi của giới trẻ.

Forever 21, thương hiệu tư nhân đã góp phần phổ cập xu hướng thời trang “fast fashion” (thời trang ăn liền), đã đánh mất cảm tình của người tiêu dùng, một phần vì các nhà bán lẻ khác như H&M của Thụy Điển và Zara của Tây Ban Nha đã cho ra những phong cách thời gian tương tự các thiết kế xuất hiện trên các sàn diễn thời trang nhưng với mức giá phải chăng.

Thế hệ người tiêu dùng trẻ hơn và có nhận thức cao hơn về môi trường cũng đang dần quay lưng với những nhà bán lẻ sử dụng các loại vải rẻ tiền để sản xuất áo phông được bán ra với giá 5 USD.

Các chuyên gia phân tích bán lẻ cho rằng mức giá thấp và các cửa hàng cực lớn của Forever 21 cũng có thể là nguyên nhân gây ra khó khăn tài chính của hãng này.

Bà Jane Hali, chuyên gia của công ty nghiên cứu Jane Hali & Associates, nhận định: “Các cửa hàng lớn của Forever 21 là nguyên nhân chính cho sự sa sút của hãng.

Làm sao bạn có thể có lời từ doanh thu tính trên mỗi đơn vị diện tích với những cửa hàng rộng lớn như vậy”.

Bà cho biết các đối thủ trong lĩnh vực fast fashion như H&M và Zara chưa bao giờ có các cửa hàng lớn như Forever 21. Zara chỉ có khoảng 85 cửa hàng ở Mỹ.

Với 815 cửa hàng tại 57 quốc gia, Forever 21 cho biết việc tái cơ cấu này sẽ cho phép hãng này tập trung vào mảng hoạt động cốt lõi mang lại nhiều lợi nhuận.

Forever 21 đã yêu cầu tòa chấp thuận cho đóng cửa 178 cửa hàng ở Mỹ không nằm trong các thị trường lớn của hãng. Forever 21 cho biết sẽ đóng cửa hầu hết các cửa hàng ở châu Á và châu Âu, nhưng sẽ duy trì hoạt động ở Mexico và Mỹ Latinh.

Chi nhánh của hãng tại Canada cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và hãng dự định sẽ đóng cửa 44 cửa hàng ở nước này.

Bà Gabriella Santaniello, người sáng lập công ty nghiên cứu bán lẻ A-Line Partners, cho rằng vụ phá sản này có thể sẽ gây áp lực với các nhà bán lẻ thời trang khác vì Forever 21 sẽ hạ giá để dọn kho.

Kể từ đầu năm 2017, hơn 20 nhà bán lẻ của Mỹ, trong đó có Sears Holdings Corp và Toys 'R' Us, đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản, trong bối cảnh người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm online thay vì lượn quanh các trung tâm thương mại.

Tin mới lên