Tài chính

FTSE Russell đánh giá 'kém tích cực' với thị trường chứng khoán Việt Nam

(VNF) - Trong bản cập nhật phân hạng thị trường cổ phiếu tháng 3, FTSE Russell vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên “mới nổi thứ cấp”, nhưng lại đánh giá kém tích cực hơn ở một số tiêu chí.

FTSE Russell đánh giá 'kém tích cực' với thị trường chứng khoán Việt Nam

FTSE Russell vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên “mới nổi thứ cấp”.

Cụ thể, tiêu chí “Cho phép giao dịch ngoại hối” bị hạ bậc từ “Hạn chế” xuống “Không đạt”. Tiêu chí “Lưu ký - quản lý tài khoản tách biệt cho nhà đầu tư nước ngoài” bị hạ bậc từ “Đạt” xuống “Hạn chế”. Đây là hai thay đổi bất lợi rõ ràng nhất.

Có một tiêu chí vẫn khá mơ hồ là “Thanh toán - tỷ lệ các giao dịch thất bại hiếm” trong kỳ đánh giá trước được ghi là “Đạt” nhưng lần này lại là “N/A” (không có để đánh giá – Not Available). Đây có thể là dạng chưa đánh giá, còn nếu đã “Đạt” một lần thì dù có hạ bậc cũng sẽ lùi xuống “Hạn chế” hoặc “Không đạt”.

Tiêu chí duy nhất được đánh giá tốt hơn là “Mức độ phát triển thị trường phái sinh” từ chỗ “Không đạt” được nâng lên “Hạn chế”.

Việc FTSE Russell đánh giá kém tích cực có thể khiến  tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam bị chậm lại, cơ hội lọt vào danh sách nâng hạng của MSCI thấp hơn vì tiêu chí của MSCI chặt chẽ hơn FTSE.

Kết quả cập nhật đánh giá tiếp theo của FTSE Russell sẽ được công bố vào tháng 9/2019.

Trước đó, hồi cuối năm 2018, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra phân tích về dòng vốn ngoại có thể "đổ bộ" sau khi FTSE Russell nâng hạng Việt Nam lên thị trường Mới nổi thứ cấp. VDSC cho rằng dòng vốn này sẽ khó tạo ra thay đổi đột phá.

Theo tính toán của VDSC, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ FTSE Emerging Markets Index vào khoảng 0,4%, dựa trên tương quan vốn hóa của rổ FTSE Vietnam Index (17 tỷ USD) so với rổ FTSE Emerging Markets Index (4.280 tỷ USD). Như vậy sẽ có khoảng 300 triệu USD dòng vốn thụ động vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong trường hợp được nâng hạng.

Tuy nhiên, nhìn lại một số thị trường đã được nâng hạng như Qatar hay UAE, VDSC nhận thấy rằng không có tăng trưởng rõ ràng về chỉ số và dòng vốn sau khi các thị trường này được FTSE thông báo nâng hạng.

"Điều này có thể đến từ tiêu chuẩn nâng hạng có phần dễ dàng của FTSE; một thị trường không cần phải đạt được tiến bộ lớn để có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi, như vậy dòng vốn mới đổ vào cũng không quá đột biến", VDSC lý giải.

Tin mới lên