Công nghệ

G20: Thuế doanh nghiệp công nghệ sẽ giúp tăng thêm 100 tỷ USD/năm

Ngày 22/2, quan chức của G20 cho biết, các nền kinh tế hàng đầu cần thống nhất trong việc đối phó với hành động “tối ưu hóa thuế” của các gã khổng lồ công nghệ như Google, Amazon và Facebook.

G20: Thuế doanh nghiệp công nghệ sẽ giúp tăng thêm 100 tỷ USD/năm

Ảnh minh họa

Các quy tắc toàn cầu đang được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xây dựng sẽ yêu cầu các công ty công nghệ nộp thuế ở nơi họ kinh doanh, thay vì nơi họ đăng ký các công ty con. OECD cho rằng các quy định này có thể làm tổng nguồn thu thuế các quốc gia tăng thêm 100 tỷ mỗi năm.

Lời kêu gọi trên chủ yếu nhằm vào Mỹ, quê nhà của những công ty công nghệ lớn nhất trên thế giới, trong một nỗ lực nhằm tránh việc thông qua các quy tắc trên bị lùi lại cho tới sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11/2020.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo về thuế bên lề cuộc họp các bộ trưởng tài chính và ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong hai ngày 22-23/2 ở Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhấn mạnh “không có thời gian để chờ đợi cho đến cuộc bầu cử”.

Chủ đề đánh thuế doanh nghiệp công nghệ và sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu là hai trong số những trọng tâm thảo luận của các nhà lãnh đạo tài chính G20 tại cuộc họp nói trên.

OECD muốn đưa ra một tỷ lệ thuế tối thiểu mà các công ty công nghệ sẽ phải nộp và tìm kiếm một thỏa thuận về vấn đề này vào đầu tháng Bảy tới, và đạt được sự thông qua của G20 vào cuối năm nay.

Cuộc họp lần này diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed ak-Jadaan và Thống đốc Ngân hàng trung ương nước này Ahmed al-Kholifey, giữa bối cảnh báo động gia tăng về diễn biến và mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19.

Phát biểu trong một cuộc họp tại Riyadh ngày 21/2, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, tác động của dịch COVID-19 có thể chỉ trong ngắn hạn, song diễn ra đúng thời điểm nền kinh tế toàn cầu vẫn yếu. Tác động kinh tế có thể có hình chữ V, với việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm mạnh sau đó là hồi phục nhanh. Bên cạnh đó, người đứng đầu IMF cảnh báo tác động của bệnh dịch với các quốc gia khác khi COVID-19 lây lan nhanh.

Tin mới lên