Tài chính quốc tế

G20 và 'ẩn số' Donald Trump

(VNF) - Các quan chức từ một số nước G20 mong mỏi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ sớm kết thúc. Họ hy vọng nhưng không chắc chắn cuộc gặp bên lề giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ mang lại một tiến triển mới.

G20 và 'ẩn số' Donald Trump

Tổng thống Donald Trump hoài nghi về tính hữu ích của các cơ quan đa phương

Trong cuộc họp hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo thế giới năm 2008, vấn đề then chốt là giải cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong vòng 70 năm trở lại đây. Và họ đã thành công.

10 năm sau, hình ảnh của sự đoàn kết khi một lần nữa đối mặt với thảm họa kinh tế đã lùi vào dĩ vãng. Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị G20 vào tuần tới tại Argentina để tìm ra một tuyên bố chung cho hai vấn đề lớn nhất toàn cầu: thương mại và biến đổi khí hậu.

Nguy cơ không đạt được thông cáo chung

Các quan chức ở châu Âu và châu Á, những người đang hỗ trợ khâu tổ chức hội nghị, cho biết họ lạc quan về một thông cáo chung sẽ được ban hành khi hội nghị kết thúc vào ngày 1/12.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khả năng đạt được một thông cáo chung là khó khăn, bởi ông Donald Trump vốn là người hoài nghi về vấn đề biến đổi khí hậu. Ông cũng đang áp dụng chính sách bảo hộ thương mại và một chính sách đối ngoại độc lập.

Hồi tháng 5, ông Trump đã bác bỏ tuyên bố của các nhà lãnh đạo nhóm G7 sau một cuộc họp căng thẳng với kết quả là một đợt trừng phạt mới về thuế quan và thương mại.

“Đó là một liên minh còn khó quản lý hơn cả G7”, một đại diện ngoại giao của Pháp nói, “Hãy đối mặt với điều đó. Vấn đề là các cuộc đàm phán đã bắt đầu khó khăn hơn từ năm ngoái. Điều này có thể tiếp diễn trong năm nay, thậm chí có thể sẽ khó khăn hơn".

Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo gặp nhau kể từ khi ông Trump áp đặt thuế quan lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - một động thái nhằm hạn chế Trung Quốc đánh cắp các tài sản trí tuệ và công nghệ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo một sự leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung – mức thuế suất 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được tăng từ 10% lên 25% vào ngày 1/1/2019 sẽ cản trở kinh tế toàn cầu.

Các quan chức từ một số nước G20 mong mỏi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ sớm kết thúc. Họ hy vọng nhưng không chắc chắn cuộc gặp bên lề giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ mang lại một tiến triển mới.

Bên trong Nhà Trắng, không có gì chắc chắn về việc ông Trump sẵn sàng nhượng bộ ông Tập Cận Bình trong các cuộc đàm phán về thương mại và các tranh chấp khác. Bởi lẽ, Tổng thống nhận được các lời khuyên mâu thuẫn nhau từ các trợ lý của ông.

“Kỳ vọng thấp, nhưng việc giữ mối quan hệ cá nhân là ưu tiên cực kỳ cao”, một quan chức Mỹ cho biết. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là những người tìm cách tạo ra mối quan hệ chặt chẽ bất chấp căng thẳng giữ hai quốc gia, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mục tiêu chính của Trung Quốc tại G20 là hạn chế Mỹ tăng thuế vào tháng 1. 

“Ngay cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận nhỏ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ vẫn khó có thể đạt được một thỏa thuận cơ bản. Vì vậy, cuộc chiến thương mại sẽ chưa thể chấm dứt”, ông Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm Hoa Kỳ tại Đại học Renmin, Bắc Kinh cho biết.

Hôm thứ 22/11, ông Trump cho biết ông đã chuẩn bị tốt cho cuôc gặp với ông Tập Cận Bình. “Tôi biết mọi thành phần. Tôi biết điều gì là tốt. Và tôi tin tôi luôn đúng. Chúng tôi đang làm rất tốt. Và tôi tin rằng Trung Quốc rất muốn thực hiện một thỏa thuận".

Ông Trump cũng sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo đã không gặp mặt trực tiếp kể từ hội nghị song phương hồi tháng 7 ở Helsinki - điều khiến ông Trump nhận không ít chỉ trích.

“Không có sự thay thế”

Các nhà lãnh đạo G20 cũng dự kiến sẽ thảo luận về những vấn đề cần đổi mới của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhưng các quan chức cho biết sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Mỹ đang hoài nghi về vai trò của WTO trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Liên minh châu Âu cũng đang thúc đẩy cải cách thể chế để có thể giải quyết các vấn đề thương mại hiện đại.

Bất chấp những bất đồng về các vấn đề chính và sự hoài nghi ngày càng tăng của Mỹ về tính hữu ích của các cơ quan đa phương, các thành viên G20 nhấn mạnh rằng diễn đàn vẫn là cơ hội quan trọng để các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ và trao đổi quan điểm về các vấn đề thời sự.

“Chính sự tồn tại của G20 giúp chúng tôi tập hợp nhanh và thảo luận các vấn đề chính ở cấp độ toàn cầu khi cần thiết", một quan chức cấp cao G20 tại châu Á cho biết.

Một quan chức cấp cao của Đức tham gia G20 cho biết Đức vẫn cam kết G20 như là một diễn đàn song phương và đa phương bất chấp những căng thẳng hiện tại. “Đôi khi bạn cần kiên nhẫn. Không có cách nào khác là cố gắng cùng nhau thảo luận”, quan chức cấp cao của Đức nói.

Tin mới lên