Tài chính quốc tế

G7 chưa mang lại niềm tin cho giới đầu tư toàn cầu

(VNF) - Hội nghị thượng đỉnh G7 đã diễn ra tại Đức trong 2 ngày 7 và 8/6, trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu về tổng thể đang ở giai đoạn phục hồi nhưng với tốc độ chậm, không đồng đều, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, sức ép lạm phát thấp, bất ổn ở một số khu vực đang gia tăng; nhưng kêt quả chưa mang lại niềm tin thực sư cho giới đầu tư.

G7 chưa mang lại niềm tin cho giới đầu tư toàn cầu

G7 nhóm họp ở Đức T6/2015 (Ảnh TL)

Từ ủng hộ hệ thống kinh tế toàn cầu mở…

Các nhà lãnh đạo G7 tiếp tục ủng hộ hệ thống kinh tế toàn cầu mở. Theo đó, việc đầu tư, hợp tác thương mại toàn cầu trên cơ sở tôn trọng các tiêu chuẩn xã hội và môi trường cao được xác định ưu tiên.

Phát biểu tại Hội nghị G7, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: "Chúng ta sẽ thảo luận tương lai chung của chúng ta, vấn đề kinh tế toàn cầu tạo công ăn việc làm và cơ hội, duy trì khối EU thịnh vượng và vững mạnh, xây dựng các đối tác thương mại mới trên khắp vùng Đại Tây Dương…"

Trước đó, ngày 6 và 7/5, các bộ trưởng tài chính G7 cũng đã đặt vấn đề là làm thế nào để tìm cách giữ vững đà phục hồi kinh tế toàn cầu, trong thời điểm chưa tìm được giải pháp đối với nền kinh tế Hy Lạp, giá dầu tăng và những bất ổn trên thị trường trái phiếu khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Phát biểu với báo giới ngày 29/5, Bộ trưởng Tài chính Đức Schaeuble cho biết, sau các phiên họp, các nhà lãnh đạo tài chính nhóm G7 đã đạt được đồng thuận quan trọng trong việc tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ cải cách cơ cấu kinh tế ở nhiều nước.

Ngoài ra, các bên cũng tìm được tiếng nói chung trong vấn đề chống trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Theo đó, các nước G7 sẽ từng bước xây dựng cơ chế xóa bỏ những khác biệt để tạo cơ sở cho việc hình thành các biện pháp kiểm tra phối hợp liên quốc gia, qua đó giúp ngăn chặn tình trạng chuyển giá và gian lận thuế.

Theo số liệu công bố ngày 28/5, thì kinh tế của Anh quốc có thể trở thành đầu tàu của kinh tế thế giới, với việc kinh tế nước này trong quý I/2015 tăng trưởng ở mức cao hơn so với dự kiến trước đó (0,4%).

Tại châu Á, Ấn Độ cũng công bố số liệu GDP (29/5) và đúng như các nhà kinh tế dự đoán về nền kinh tế lớn thứ ba khu vực này cũng tăng trưởng ở mức 7,4% trong quý I năm nay.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đang nỗ lực để đạt con số lạm phát có ý nghĩa so với nhiều thập niên vừa qua, với lãi suất gần 0% trong nhiều chương trình QE trị giá hàng nghìn tỷ yên được tung ra, con số công bố ngày 28/5 có thể cho thấy sức ép lạm phát đã không lớn như kỳ vọng.

Kinh tế Brazil (Mỹ Latinh) là quốc gia trong nhóm BRICS đã giảm trong quý I/2015 so với dự báo trước đó; kinh tế khu vực Eurozone cũng tăng trưởng chậm lại; kinh tế Trung Quốc hiện đang sa sút, nên thị trường đang trông đợi xem kinh tế Mỹ và Anh ai sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát sơ bộ của hãng tin Reuters trước dự báo số liệu về GDP được điều chỉnh của Mỹ công bố vào ngày 29/5 đã giảm sút khoảng 0,7% trong quý I/2015.

Đến tháo gỡ bế tắc cho Hy Lạp…

Chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, Thomas Costerg cho biết, khi các cuộc thương lượng giữa Hy Lạp với các đối tác Eurozone đang bế tắc, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo một thỏa thuận cần đạt được giữa các bên liên quan trước cuối tháng 5.

Hy Lạp hiện không có khả năng thanh toán khoản 300 triệu Euro ban đầu trong tổng số 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) mà Athens nợ IMF. Tuy nhiên, ngày 5/6 IMF cho biết, Hy Lạp đã thông báo sẽ hoãn trả khoản nợ trị giá 300 triệu EUR cho IMF đáo hạn vào ngày 5/6 và có kế hoạch trả gộp bốn khoản nợ cho tổ chức này vào ngày 30/6.

Mặc dù EU đang lo ngại, việc Hy Lạp vỡ nợ có thể khiến Athens phải rời khỏi khu vực Eurozone, một kết cục ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng bộ 3 chủ nợ quốc tế  (EC, ECB, IMF) vẫn tìm cách để buộc Athens phải đưa ra kế hoạch cải cách theo hướng "thắt lưng buộc bụng" để nhận được gói cứu trợ 7,2 tỷ EUR (8 tỷ USD) mà nước này đang rất cần để thoát khỏi tuyên bố vỡ nợ.

Cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và bộ 3 chủ nợ quốc tế đã kéo dài hơn 4 tháng. Tuy thời hạn chót vào ngày 30/6 đang cận kề, nhưng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn bác bỏ các yêu cầu của các chủ nợ trong việc cắt giảm lương của các viên chức và những người nghỉ hưu, khi ông cho rằng, đó là những đòi hỏi "vô lý", và Athens kiên quyết từ chối.

Viện Vấn đề công cộng của Hy Lạp đã công bố kết quả thăm dò dư luận, cho thấy phần lớn người dân Hy Lạp ủng hộ chính phủ của đảng Syriza cầm quyền trong tiến trình đàm phán với các chủ nợ và mong muốn Hy Lạp sẽ đạt được thỏa thuận để ở lại Eurozone.

Trong khi đó, các nước thuộc Eurozone đã yêu cầu Hy Lạp nhanh chóng trình danh mục các đề xuất cải cách để có thể nhận được khoản cứu trợ tránh nguy cơ bị phá sản, song cho tới nay, Athens vẫn chưa trình được danh sách cải cách mới nhất.

Trong các cuộc trao đổi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã hối thúc các bên liên quan sớm thống nhất hướng xử lý cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp nhằm góp phần vào sự ổn định chung của kinh tế thế giới.

Trước đó, bà Lagarde nói, IMF có những nguyên tắc tài chính chặt chẽ và Hy Lạp sẽ không phải là ngoại lệ. Bà còn tuyên bố việc Hy Lạp đi hay ở lại Eurozone không phụ thuộc vào IMF mà trước hết phụ thuộc vào ý chí và quyết tâm của chính các nước Eurozone nói riêng và EU nói chung.

Và tiếp tục cô lập Nga

Đức là nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G7, đã quyết định không mời đại diện của Nga tham dự hội nghị lần này, vì Moscow đã sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và G8 đã không tồn tại. Tuy nhiên, trong chính giới Đức đã xuất hiện nhiều ý kiến phê phán việc ban lãnh đạo nước này đã không mời Tổng thống Nga Putin tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 và cho đây là một sai lầm.

Nhằm minh chứng cho việc phương Tây cô lập Nga là không có tác dụng.  Tạp chí Fortune (Mỹ) cho biết, các nhà đầu tư và chuyên gia phương Tây đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông cho rằng các biện pháp trừng phạt đã làm cho nền kinh tế Nga "tả tơi". Tạp chí này còn có nhận định ngược lại: "kinh tế Nga tốt hơn tất cả những gì bạn tưởng".

Đồng Ruble của Nga đã ổn định sau đợt mất giá mạnh hồi năm ngoái, thị trường chứng khoán phục hồi hơn 20%. Theo đánh giá của ông trùm đầu tư David Bonderman, các biện pháp cấm vận kinh tế của phương Tây đối với nền kinh tế Nga không thực sự gây "thiệt hại" giống như các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Thậm chí, các lệnh trừng phạt còn đóng góp cho sự tích cực đầu tư vào Nga.

Nhà đầu tư ngân hàng người Nga Ruben Vardanyan cũng cho rằng: "gần như toàn bộ nền kinh tế Nga không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của tỷ giá đồng rúp mà nguyên nhân là khoảng 90% dân số không có ý định mua hàng nhập khẩu". Với thực trạng này, theo ông Vardanyan, chỉ mang lại hiệu quả đặc biệt có lợi cho Tổng thống Vladimir Putin trong những tháng sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt.

Trước đó, hồi cuối tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến nước ông tổn hại khoảng 160 tỷ USD, tuy nhiên các doanh nghiệp Nga đã thành công trong việc trả được nợ nước ngoài.

Các ngân hàng và doanh nghiệp Nga chỉ còn phải trả khoản nợ 130 tỷ USD trong năm 2014 và 60 tỷ USD trong năm 2015. "Rõ ràng, ai đó đã tính tới một sự đổ vỡ nào đó…" nhưng, "Chẳng có sự đổ vỡ nào xảy ra. Kinh tế Nga tương đối dễ dàng vượt qua các rào cản nhân tạo này". Và cũng theo ông Putin "giai đoạn (trả nợ) đỉnh điểm đã qua".

Vì thế, Chủ tịch Ủy ban về quan hệ kinh tế Đông Âu Cordes cho rằng một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo G7 và Nga có thể góp phần giải quyết khủng hoảng kinh tế, cũng như đưa Nga trở lại lộ trình mang tính xây dựng cho cuộc xung đột ở Ukraine, theo ông Cordes, đây là cơ hội bị bỏ lỡ.

Chủ tịch Diễn đàn Đức - Nga Platzeck cũng cho rằng nên mời Tổng thống Putin tham gia G7. Theo ông, Moscow phải tham gia vào G7 vì Thỏa thuận Minsk về giải quyết khủng hoảng Ukraine và cả các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới như: Trung Đông, Iran, Afghanistan hay Syria cũng chỉ có thể được giải quyết khi có sự tham gia của Nga.

Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt còn cho rằng: "Hội nghị G7 sẽ không có ý nghĩa nếu thiếu sự tham dự của Nga".

Bà Susan Eisenhower, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của tập đoàn tư vấn đầu tư The Eisenhower đề nghị rằng: "Washington nên thiết lập lại mối quan hệ với Moscow bằng cách chỉ định một phái đoàn đặc biệt đến Nga nhằm đối thoại và tìm ra lối thoát cho vấn đề Crimea hay Ukraine".

Như vậy, Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã kết thúc mà không có sự góp mặt của Nga, một bên quan trọng trong giải quyết những vấn đề an ninh kinh tế toàn cầu. Hai trong số các chương trình nghị sự của Hội nghị là vấn đề kinh tế toàn cầu và cứu Hy Lạp là gánh nặng quá sức, mặc dù đây là 7 nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Vì thế, giới phân tích cho rằng, cũng giống hội nghị lần trước, G7 chưa mang lại niềm tin nào cho giới đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, sự rạn nứt trong nhóm G7 lại rõ nét hơn khi bàn thảo về việc tiếp tục trừng phạt kinh tế Nga gắn với tình hình ở miền Đông Ukraine.

Tin mới lên