Tài chính

'Gà đẻ trứng vàng' VEAM sắp trả cổ tức 52,529%, Bộ Công Thương nhận 6.175 tỷ đồng

Phiên giao dịch thứ Hai tới là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức của cổ đông VEAM. Tỷ lệ chi trả nhỉnh hơn phương án phân phối lợi nhuận dự kiến được trình tại cuộc họp ĐHĐCĐ.

'Gà đẻ trứng vàng' VEAM sắp trả cổ tức 52,529%, Bộ Công Thương nhận 6.175 tỷ đồng

VEAM sắp chi 6.980 tỷ đồng trả cổ tức năm 2019

Theo nghị quyết của HĐQT vừa được thông qua, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM – mã VEA) đã phê duyệt phương án chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ cổ tức là 52,529%. Con số trên cao hơn mức 52,524% được đề cập tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Nguyên nhân bởi thời điểm giữa năm khi HĐQT trình phương án phân chia lợi nhuận, Bộ Công Thương vẫn đang xin ý kiến Bộ Tài chính. HĐQT khi đó cũng đã đề nghị cổ đông ủy quyền để thực hiện việc phân phối lợi nhuận năm 2019 theo ý kiến của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Sau khi nhích tăng tỷ lệ chi trả cổ tức, phần lợi nhuận để lại đã giảm từ 58,6 triệu đồng xuống còn vỏn vẹn 8,4 triệu đồng. Cổ tức sẽ về tài khoản của các cổ đông vào ngày 5/2 tới.

Ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức là 5/1. Do đó, ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ vào phiên giao dịch thứ Hai tới. Bộ Công Thương là cổ đông lớn nhất của VEAM với tỷ lệ sở hữu 88,47%. Trong 6.980 tỷ đồng cổ tức phân phối lần này, VEAM sẽ trả về Bộ Công Thương 6.175 tỷ đồng.

Trước đây, Bộ Công Thương đã có quyết định thoái vốn tại VEAM. Tuy nhiên, phía Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước mắt chưa thoái vốn tại doanh nghiệp này. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý và yêu cầu, khi thoái vốn sau này cũng cần trình phương án cụ thể, trình Chính phủ.

VEAM kinh doanh chính trong lĩnh vực cơ khí, ô tô, nhưng thu nhập chính lại đến từ các liên doanh mà VEAM đang thực hiện với các hãng lớn như Honda, Toyota, Ford. Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, số vốn điều lệ tham gia 3 liên doanh chỉ chiếm 7% tài sản, nhưng mang lại trên 90% tổng lợi nhuận của VEAM. Do đó, theo ông Hải, nếu thoái vốn không cẩn thận, nhà nước sẽ bị thiệt hại, vì mỗi năm riêng phần chia liên doanh đã mang lại lợi nhuận tới hơn 7.000 tỷ đồng. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định quan tâm việc thoái vốn nhưng phải thoái vốn bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước. 

Tin mới lên