Bất động sản

‘Gã khổng lồ’ Novaland trở lại với chiến lược mới

(VNF) – Sau gần một năm im hơi lặng tiếng trên thị trường bất động sản, Novaland đang cho thấy tín hiệu trở lại đường đua khi rầm rộ tuyển dụng nhân sự và trình kế hoạch ra mắt các dự án mới.

‘Gã khổng lồ’ Novaland trở lại với chiến lược mới

"Gã khổng lồ" Novaland trở lại với chiến lược mới

Chuyển hướng

Tập đoàn Novaland trong thời gian gần đây liên tiếp thông báo tuyển dụng nhân sự với số lượng lên đến 700 người. Trong đó, chiêu mộ tới hơn 20 vị trí nhân sự cấp cao là Giám đốc các khối trọng yếu như điều hành dự án, quản lý dự án, marketing, nguồn vốn, đầu tư, quản lý khách sạn, nhân sự…hàng chục vị trí trưởng phòng, quản lý ở các lĩnh vực và 500 Sales ở khắp các tỉnh, thành phố lớn.

Động thái này báo hiệu sự trở lại rầm rộ của Novaland trên thị trường bất động sản năm 2018. Trái ngược với tình trạng trầm kha gần một năm qua khi tập đoàn này gần như "đứng hình", không ra mắt dự án mới và lượng nhân sự "rơi rụng" cực lớn.

Đây là đợt tuyển dụng rầm rộ nhất của tập đoàn này từ trước đến nay. Theo lý giải của đại diện tập đoàn, 2018 là năm bản lề cho chiến lược mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chứ không chỉ dừng lại ở bất động sản thương mại là căn hộ.

Năm 2018, Novaland sẽ tiếp tục bàn giao thêm 11 dự án; dự kiến công bố mới 4 dự án nhà ở ước khoảng 12.000 căn ra thị trường, cùng nhiều loại hình sản phẩm mới về bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại.

Chi tiết hơn, tập đoàn này sẽ chuyển hướng phát triển các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng tại các Thành phố có tiềm năng du lịch lớn như Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Đà Lạt, Bình Thuận - Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu - Côn Đảo, Cần Thơ và Phú Quốc.

"Sức khỏe" Novaland ra sao?

Với vốn hoá hiện vào khoảng 2,4 tỷ USD, Novaland là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, là nhà phát triển bất động sản uy tín trên thị trường địa ốc với hơn 40 dự án thương mại đang phát triển và đã đi vào hoạt động. Tập đoàn có cổ đông chiến lược danh tiếng như GIC của chính phủ Singapore, J.P.Morgan, Credit Suisse.

Novaland đang là đơn vị dẫn đầu phát triển dự án căn hộ trung cao cấp tại TP. HCM.

Trong năm 2017 đã có khoảng 5.800 sản phẩm của Novaland được các khách hàng lựa chọn, chiếm khoảng 18% thị phần căn hộ của toàn thị trường TP. HCM theo số liệu từ CBRE. Novaland cũng đã bàn giao gần 3.600 căn nhà cho người tiêu dùng.

Theo báo cáo tài chính của tập đoàn này, kết thúc năm 2017, Novaland ghi nhận kết quả kinh doanh rất ấn tượng với doanh thu thuần đạt 11.632 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 2.062 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; vốn chủ sở hữu tăng 32% so với cuối năm 2016, từ 10.047 tỷ đồng lên 13.256 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng từ 5.962 tỷ đồng lên 6.497 tỷ đồng.

Sau một thời gian "đình đốn", tình hình tài chính của Novaland có chiều hướng đi xuống. Tập đoàn này đang có khoản nợ phải trả lên tới 35.968 tỷ đồng, chiếm tới 73% tổng tài sản. Theo các chuyên gia tài chính, giá trị nội tại của Novaland vẫn rất lớn dựa trên bề dày thương hiệu và quỹ đất nắm giữ. Tuy nhiên, vấn đề của Novaland là hàng tồn kho và khoản nợ vay tài chính lớn của tập đoàn này.

Trong diễn biến mới nhất, Tập đoàn Novaland vừa thông qua kế hoạch phát hành thành công 100 triệu cổ phiếu và 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho các đối tác để thu về sẽ thu về hơn 10.000 tỷ đồng.

Một kế hoạch khác được 99,99% cổ đông đồng ý, Novaland sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore hoặc một sở giao dịch chứng khoán khác ở nước ngoài trong năm 2018 hoặc 2019.

Với những "nước cờ" táo bạo, Novaland đang cho thấy nỗ lực trở lại vị thế của một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu trong bối cảnh áp lực dòng tiền ngày một gia tăng. Tuy nhiên, thành quả của chiến lược này đến đâu còn phải chờ độ thẩm thấu của thị trường bất động sản.

Tin mới lên