Tài chính

Gần 115.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 9

(VNF) - Đây là tháng thứ 7 liên tiếp số lượng tài khoản mở mới vượt mức 100.000 đơn vị trong năm 2021.

Gần 115.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 9

Hơn 114.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 9

Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 9 là 114.962 tài khoản, là tháng thứ 7 liên tiếp vượt mức 100.000 đơn vị kể từ tháng 2/2021 đến nay.

Trong đó tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 99,8%, đạt 114.713 đơn vị, tài khoản mở mới của nhà đầu tư là tổ chức chỉ đạt 97 đơn vị, lần lượt giảm 4,7% và giảm 24% so với tháng 8.

Các nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân và tổ chức) mở mới tổng cộng là 152 tài khoản giao dịch trong tháng 9, giảm 41% so với tháng 8.

Tổng cộng số lượng tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tính đến cuối tháng 9 là hơn 3,7 triệu đơn vị. Trong đó số lượng tài khoản giao dịch trong nước là hơn 3,69 triệu đơn vị, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là 38.306 đơn vị.

Dù số lượng tài khoản mở mới trong tháng liên tục vượt mức 100.000 đơn vị trong 7 tháng liền, tuy nhiên số lượng mở mới trong tháng 9 đã có sự sụt giảm so với tháng 8 và tháng 7 trước đó.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), chỉ số VN-Index trong tháng 9 chỉ ghi nhận tăng nhẹ (dưới 1%). Thanh khoản thị trường sụt giảm cho thấy tâm lý dè dặt hơn của nhà đầu tư trước khi nới lỏng giãn cách xã hội. Giá trị khớp lệnh bình quân sụt giảm hơn 10% trong tháng 9 xuống còn hơn 19 nghìn tỷ đồng một ngày.

Trong tháng 9, khối ngoại đã bán ròng gần 348 triệu USD, lũy kế 9 tháng bán ròng gần 2 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức bán ròng trong năm 2020. Ngược lại, Mirae Asset cho biết các nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn duy trì trạng thái mua ròng kể từ đầu năm đến nay.

Theo MASVN, với tầm nhìn đến cuối năm 2021, thị trường đang được định giá ở mức hợp lý và có phần kém hấp dẫn. Do vậy, nhà đầu tư có phần e dè, đặt biệt trước nhiều rủi ro ngắn hạn: việc kiểm soát dịch bệnh sau khi nới lỏng giãn cách; rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng tăng cao do khả năng trả nợ của người đi vay bị ảnh hưởng; các rủi ro bên ngoài liên quan đến việc khối ngoại rút vốn nếu Mỹ ngưng nới lỏng tiền tệ, cũng như việc các chính sách mới của Trung Quốc có tác động đáng kể đến giá hàng hóa toàn cầu.

“Dù triển vọng tăng trưởng quý III khá ảm đạm, tuy nhiên, thị trường vẫn kỳ vọng mức EPS sẽ tăng 33% trong năm nay, tương ứng mức P/E dự phóng cuối 2021 khoảng 15,9 lần”, chuyên gia phân tích của MASVN cho biết.

 

Tin mới lên