Ngân hàng

Gần 1/4 dư nợ toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tỷ lệ nợ xấu có thể lên mức gần 4%

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu có thể lên mức gần 4% vào cuối quý II, thậm chí cao hơn. Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định nếu cần thiết, sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa.

Gần 1/4 dư nợ toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tỷ lệ nợ xấu có thể lên mức gần 4%

Gần 1/4 dư nợ toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tỷ lệ nợ xấu có thể lên mức gần 4%

Tỷ lệ nợ xấu có thể lên mức gần 4% nếu dịch được kiểm soát trong quý II

Theo báo cáo các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng quý I/2020 tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Cụ thể, đến ngày 31/3/2020, dư nợ tín dụng đạt 8,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 3,19%). Tuy vậy, nhịp độ tăng từng tháng có xu hướng cải thiện (tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07% và tháng 3 tăng 1,1%).

Ngân hàng Nhà nước cho hay dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi (giảm 2% - 2,5%) có qui mô lớn nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng có xu hướng giảm dẫn tới việc rút vốn của khách hàng còn hạn chế.

Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan này, đến nay, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
 
Trong đó, dư nợ của một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu tập trung ở các ngành hàng rau quả, thủy sản, cao su, cà phê, chè, hạt tiêu; Khai khoáng tập trung chủ yếu vào than, dầu thô, quặng kim loại; Công nghiệp chế biến - chế tạo tập trung ở ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, xi măng, chế biến gỗ; Các dự án BOT, BT giao thông.

Cùng với đó là các ngành Kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng; Vận tải; Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Giáo dục và đào tạo; Hoạt động dịch vụ khác (sửa chữa các thiết bị, đồ dùng gia dụng, dịch vụ phục vụ tăng cường sức khỏe, giặt là, cắt tóc, hiếu hỉ....
 
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, với 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9 - 3,2% đến cuối quý II và từ 2,6 - 3,0% đến cuối năm 2020.

Tuy nhiên, kịch bản này đến nay đã không còn khả thi.

Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, Ngân hàng Nhà nước ước tính tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của các TCTD yếu kém.

Thống đốc: Nếu cần thiết, sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra ngày 10/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết các mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá trong những năm qua là yếu tố hết sức then chốt để tăng sức chống chịu của nền kinh tế. 

Theo Thống đốc, nếu không có sự ổn định vĩ mô duy trì được trong những năm vừa qua thì tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế Việt Nam sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Thống đốc cho rằng việc Việt Nam tập trung kiểm soát tốt lạm phát thời gian vừa qua cũng đã góp phần rất quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Đây cũng là nền tảng quan trọng và then chốt, là cơ sở để tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn sau dịch.

Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ, giữ ổn định được tỷ giá để đảm bảo củng cố được niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư.

"Với nguồn lực dữ trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay là trên 84 tỷ USD, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô", Thống đốc khẳng định.

Trong thời gian tới, ông Lê Minh Hưng cho biết ngành ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết tâm và tập trung các nỗ lực để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn nữa để đạt được mục tiêu đã đề ra, trong đó củng cố các nền tảng vĩ mô, tạo điều kiện tiếp tục các giải pháp phục hồi sau dịch bệnh.

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng từ 900 nghìn tỷ cho đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng từ 11 đến 14%.

Thống đốc nhấn mạnh trong bất cứ tình huống nào, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn.

Để đối phó với các tác động tiêu cực của dịch bệnh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ  đạo, có các giải pháp rất mạnh về lãi suất, ban hành các quy định đầy đủ.

“Chúng tôi cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai minh bạch các thủ tục điều kiện với khách hàng và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Có thể nói đây là những giải pháp quan trọng, cần thiết để hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp và khách hàng vay vốn tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh còn đang diễn biến hết sức phức tạp”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định đã và sẽ tiếp tục chủ động chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo các TCTD để yêu cầu tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng để tiếp tục tổ chức triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đồng thời tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, tập trung mọi nguồn lực nhằm giảm mạnh lãi suất cho vay, miễn giảm phí thanh toán qua hoat động ngân hàng để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn và chủ động phối hợp với các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, các đơn vị có liên quan trên địa bàn toàn quốc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc qua đó kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn và chia sẻ với doanh nghiệp, người dân. 

Kết quả triển khai cho đến nay, đối với các tổ chức tín dụng, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ và cho vay mới với doanh số cho vay là khoảng xấp xỉ 180.000 tỷ.

“Thời gian tới đây, Ngân hàng Nhà nước với sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đảm bảo cung ứng và chúng tôi cũng cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn vốn cho nền kinh tế với lãi suất thấp hơn và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để có các điều chỉnh về chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa nếu cần thiết", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Tin mới lên