Tiêu điểm

GDP quý I chỉ tăng 3,82%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%

(VNF) – Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước.

GDP quý I chỉ tăng 3,82%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%

GDP quý I chỉ tăng 3,82%, thấp hơn kịch bản đề ra

Đây là mức tăng khá thấp nếu so với các năm trước (quý I/2018 tăng 7,38%; quý I/2019 tăng 6,79%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng quý I dù thấp nhưng đã cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc chống dịch Covid-19 và duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh (không bị rơi vào tình trạng tăng trưởng âm).

Dù vậy, nếu so mức tăng GDP quý I/2020 với 2 kịch bản tăng trưởng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trước đó, có thể thấy cả 2 kịch bản đang đứng trước nguy cơ không thành.

Cụ thể, ở kịch bản 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến dịch hết trong quý I, tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,25%, riêng quý I tăng 4,52%. Còn ở kịch bản 2, Bộ dự kiến dịch hết trong quý II, tăng trưởng GDP 2020 là 5,96%, riêng quý I tăng 4,52%.

Như vậy, cả 2 kịch bản đều được xây dựng với GDP quý I tăng 4,52%. Nhưng thực tế cho thấy GDP quý I chỉ tăng 3,82%!

Xét theo lĩnh vực, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung);

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, tuy đạt mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I năm nay;

Khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 10,15%; 35,31%; 43,99%; 10,55%).

Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,07% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 2,92% (cùng kỳ năm trước tăng 7,22%); tích lũy tài sản tăng 2,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%.

Doanh nghiệp chế biến chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả 552,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2020 là 903,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Quý I/2020 ghi nhận 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý I/2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 lên 44,5 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 3 tháng đầu năm là 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 20,6%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2020 là 4,1 nghìn doanh nghiệp, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 cho thấy: có 20,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 tốt hơn quý IV/2019; 42% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Như vậy, có 58% doanh nghiệp chế biến chế tạo cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 tốt hơn quý trước.

Dự kiến quý II/2020 so với quý I/2020, có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Tin mới lên