Tiêu điểm

GDP quý II tăng 6,71%, Bộ Kế hoạch Đầu tư cảnh báo lạm phát 6 tháng tăng mạnh

(VNF) –Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, trong đó quý II tăng 6,71%. Mức tăng này tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn được xem là tích cực, cao hơn mức trung bình 6 tháng của giai đoạn 2011 – 2017.

GDP quý II tăng 6,71%, Bộ Kế hoạch Đầu tư cảnh báo lạm phát 6 tháng tăng mạnh

GDP quý II tăng 6,71%

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu đã đề ra (6,8%).

Đi vào từng lĩnh vực, bức tranh tăng trưởng có sự khác biệt giữa các ngành. Cụ thể, với ngành nông nghiệp, dịch tả lợn châu Phi và nạn hán hán, cháy rừng đã gây nhiều khó khăn cho việc sản xuất, tuy nhiên do thủy sản tăng trưởng khá, ước đạt 6,45% nên tốc độ tăng GDP toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,39%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng tích cực, ước đạt 8,93%, cao hơn dự kiến của kịch bản tăng trưởng đã đề ra (8,88%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,18%; ngành khai khoáng tăng 1,78% mức tăng đầu tiên sau 3 năm liên tiếp giảm, chủ yếu là do khai thác than phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng trưởng khá.

Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng ổn định, ước đạt 6,89%. Trong đó, đóng góp chủ yếu là ngành bán buôn, bán lẻ, ước tăng 8,48%, nhờ sức mua của thị trường được duy trì. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giữ mức tăng trưởng hai con số, ước đạt 11,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,29%). Đây là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 1,96% và bình quân 6 tháng tăng 1,87% so với cùng kỳ là mức tăng khá cao, cần chú ý các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.

Đối với tăng trưởng tín dụng, số liệu mới cập nhật cho thấy mức tăng ước đạt 7,08% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 6,14%). Cơ cấu tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên và có sự kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 52,8% dự toán, chi ngân sách nhà nước đạt 40,8% dự toán được giao.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 822,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 33,1% GDP. Trong đó, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng và có mức tăng cao nhất, khoảng 43,6%, tăng 16,4%.

Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài đăng ký ước đạt 18,47 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ, tuy nhiên, giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ.

Đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng tích cực, ước có gần 67 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt trên 860 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn.

Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 32,41% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ (33,85%).

Về xuất nhập khẩu, theo số liệu mới cập nhật, xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 122,4 tỷ USD, tăng 7,1%, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 120,8 tỷ USD, tăng 8,8%, cân đối thương mại xuất siêu 1,6 tỷ USD.

Tin mới lên