Thị trường

GDP tăng thêm 25,4%, thấy rõ hơn Việt Nam đang đứng ở đâu

'Việc tính lại GDP để thấy rõ đất nước mình đang đứng ở đâu trên bản đồ phát triển kinh tế thế giới', Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chia sẻ.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

PV: Số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy, sau khi đánh giá lại quy mô GDP, quy mô nền kinh tế giai đoạn 2010-2017 tăng thêm khoảng 25,4%. Phải chăng điều đó có nghĩa là bức tranh kinh tế của đất nước có sự thay đổi đi lên, thưa ông?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Thực tế, sự phát triển của đất nước vẫn đang vận hành với guồng quay của nó. Cuộc sống người dân, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta vẫn đang diễn ra theo đúng thực tế vốn có của nó.

Khi số liệu đánh giá lại quy mô GDP được công bố, chỉ đơn thuần là ngành Thống kê cung cấp cho cơ quan chức năng, các chuyên gia, các nhà khoa học và công chúng số liệu xác thực hơn để có thể thấy rõ đất nước mình đang đứng ở đâu trên bản đồ phát triển kinh tế thế giới.

GDP được đánh giá lại cho phép tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan được xác thực hơn, phản ánh xác thực hơn chất lượng tăng trưởng, năng lực của nền kinh tế. Do đó, đây chính là những căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng đề xuất, xây dựng Chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thưa ông, Tổng cục Thống kê thực hiện đánh giá lại quy mô GDP như thế nào, có tính đến hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát hay không?

Trước hết, việc đánh giá lại quy mô GDP được Tổng cục Thống kê thực hiện dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính toàn diện, tính lịch sử, so sánh và đảm bảo thống nhất về quy trình và phương pháp tính.

Để thực hiện đánh giá lại quy mô GDP, chúng tôi chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm trù sản xuất theo quy định của Việt Nam, không xem xét các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Tổng cục Thống kê thực hiện xem xét, rà soát từ nguồn thông tin và kết quả tính toán chi tiết đến 88 ngành kinh tế cấp 2, 21 ngành kinh tế cấp 1 và 3 khu vực kinh tế cho giai đoạn 2010-2017. Bổ sung cập nhật một số nội dung theo phương pháp luận của hệ thống tài khoản quốc gia 2008 và hệ thống phân loại mới. Bổ sung, cập nhật giá trị các sản phẩm nghiên cứu và phát triển, phần mềm tin học,...

Tổng cục cũng thực hiện đánh giá GDP theo giá hiện hành và giá so sánh năm 2010. GDP tính theo giá hiện hành kết hợp với các chỉ tiêu vĩ mô khác để nghiên cứu, xem xét các cân đối lớn trong nền kinh tế của các địa phương, của các ngành kinh tế với nhau. GDP tính theo giá so sánh nhằm đánh giá tốc độ tăng trưởng theo từng ngành kinh tế qua các năm.

Bên cạnh việc rà soát, biên soạn lại GDP theo 2 loại giá trên, Tổng cục Thống kê xem xét chỉ tiêu này trong mối quan hệ với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác có liên quan. Có điểm đáng lưu ý là, trong điều kiện phạm vi tính toán được mở rộng và đầy đủ hơn, quy mô GDP thay đổi dẫn đến các quan hệ, cân đối lớn của nền kinh tế thay đổi.

Trên cơ sở kết quả đánh giá lại quy mô GDP, cần có những phân tích, đánh giá, xem xét thấu đáo hơn hiệu quả hoạt động kinh tế của đất nước trong một giai đoạn; đồng thời cần đánh giá tác động của Đánh giá lại quy mô GDP đối với chính sách kinh tế trong giai đoạn tới.

Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách trung hạn và dài hạn phù hợp với năng lực của quốc gia.

Có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến thay đổi của quy mô GDP

Sau khi đánh giá lại quy mô GDP, quy mô nền kinh tế giai đoạn 2010-2017 tăng thêm khoảng 25,4%. Theo ông, nhóm nguyên nhân dẫn đến thay đổi lớn nhất về quy mô GDP là gì?

Có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến thay đổi của quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm làm tăng quy mô GDP.

Đó là: (1) Bổ sung thông tin từ tổng điều tra; (2) Bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; (3) Cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 và (4) Rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Chỉ duy nhất nhóm (5) Cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước, đã làm quy mô GDP theo giá hiện hành giảm.

Nói cụ thể thế này, khi chúng tôi rà soát bổ sung nguồn thông tin từ tổng điều tra, trong dãy số liệu đánh giá lại GDP giai đoạn 2010-2017, con số bổ sung thêm là 76.000 doanh nghiệp.

Trong số đó, phần lớn số doanh nghiệp bổ sung thêm từ kết quả của Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và từ hồ sơ hành chính của Tổng cục Thuế, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau mà tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ (chiếm khoảng 70%). Ngoài ra, trong lần rà soát, đánh giá lại quy mô GDP lần này, ngành Thống kê cũng thu thập được số liệu của 136 doanh nghiệp thuộc 2 Bộ: Quốc phòng và Công an.

Câu hỏi đặt ra là tại sao có sự bỏ sót một số lượng doanh nghiệp lớn như vậy? Câu chuyện này có cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Điều tra thống kê là hình thức thu thập chủ yếu của ngành Thống kê. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, chúng tôi chỉ có thể tổ chức điều tra chọn mẫu trong các cuộc điều tra hàng năm và cứ 5 năm mới tổ chức tổng điều tra toàn bộ một lần. Do vậy, dẫn đến hiện tượng bỏ sót số liệu.

Về góc độ về sử dụng dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin thống kê, cũng có những bất cập về số liệu. Trước đây, khi chưa có sự chia sẻ số liệu, giữa 3 cơ quan: Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê, số liệu về số lượng doanh nghiệp có sự vênh nhau khá lớn, do mỗi cơ quan có chức năng thu thập số liệu doanh nghiệp phục vụ cho các mục đích và theo các tiêu chí khác nhau.

Nếu cơ quan đăng ký kinh doanh có số liệu về lượng doanh nghiệp được thành lập, cơ quan thuế thống kê số lượng doanh nghiệp thực tế phải nộp thuế thì cơ quan thống kê lại nắm số liệu doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, gần đây, giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê đã có sự hợp tác, chia sẻ số liệu nên số liệu về doanh nghiệp đã được cập nhật, bổ sung mới.

Việc cập nhật lý luận mới về hệ thống tài khoản quốc gia 2008 cũng giúp làm tăng quy mô GDP.

Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 đã đưa ra một số thay đổi liên quan đến phạm vi tài sản, bao gồm: Mở rộng phạm vi tài sản là các sản phẩm nghiên cứu và phát triển; đánh giá lại phân loại tài sản. Trong các loại tài sản được bổ sung mới, một số tài sản được tính toán vào tài khoản quốc gia trong quá trình đánh giá lại quy mô GDP như: Bổ sung, cập nhật giá trị các sản phẩm nghiên cứu và phát triển, giá trị của phần mềm tin học.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên