Tài chính

GDP Việt Nam năm 2021 ước tăng 2,58%, tăng trưởng tín dụng vượt xa huy động

(VNF) - Năm 2021, tăng trưởng GDP Việt Nam ước đạt 2,58%, cao hơn mức tăng bình quân 1,84% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng vượt xa huy động vốn.

GDP Việt Nam năm 2021 ước tăng 2,58%, tăng trưởng tín dụng vượt xa huy động

GDP Việt Nam năm 2021 ước tăng 2,58%, tăng trưởng tín dụng vượt xa huy động

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2021 ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%. Xét theo khía cạnh sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%.

Tổng cục Thống kê ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%) so với năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,8%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.

Trên khía cạnh sử dụng GDP năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,09% so với năm 2020; tích lũy tài sản tăng 3,96%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,16%.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020).

Bình quân năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016

Riêng với lĩnh vực tài chính, Tổng cục Thống kê cho hay tính đến ngày 24/12/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,93% so với cuối năm 2020; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,97%.

Như vậy, tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng tới 4,53 điểm %.

Bên cạnh đó, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý IV/2021 ước tính tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm 2021, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 15,6% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21,7%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 1,7%.

Tính đến ngày 27/12/2021, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 26.526 tỷ đồng/phiên, tăng 257,5% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.421 tỷ đồng/phiên, tăng 9,9%; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 189.923 hợp đồng/phiên, tăng 21%.

Tin mới lên