Thị trường

Geleximco muốn bắt tay Trung Quốc xây sân bay Long Thành với giá thấp nhất

(VNF) - Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền cùng đối tác Trung Quốc vừa gửi văn bản đến Thủ tướng muốn xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) "hiện đại và văn minh" mà giá thấp.

Geleximco muốn bắt tay Trung Quốc xây sân bay Long Thành với giá thấp nhất

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco và ông Chen Yi Long, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (KAIDI) của Trung Quốc, đề xuất Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức PPP.

Geleximco cho hay, tập đoàn này và đối tác Trung Quốc có kinh nghiệm cũng như có khả năng thu xếp nguồn vốn cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về tiến độ xây dựng, hai nhà đầu tư này đưa ra là 3-5 năm với "giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại".

Lãnh đạo Geleximco giới thiệu họ có mối quan hệ chặt chẽ với KAIDI Dương Quang trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Tập đoàn này cũng nói rằng mình có mối quan hệ với các quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc (Hoa Dung) là một công ty nhà nước với tổng tài sản đạt trên 250 tỷ USD hay Công ty TNHH cổ phần Đầu tư Dân Sinh, IDG...

Đặc biệt đến nay Geleximco và đối tác đã thành lập một Quỹ đầu tư trị giá 15 tỷ USD và bắt đầu giải ngân giai đoạn đầu khoảng 6 tỷ USD.

Hồi tháng 10/2016, Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) cũng đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép tham gia đầu tư vào 4 dự án hạ tầng giao thông lớn, trong đó có sân bay Long Thành.

Ba dự án còn lại gồm Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và TP. HCM đến Khánh Hòa, Dự án đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Thời điểm đó, trong tổng vốn ước tính đầu tư của cả 4 dự án này là gần 50 tỷ USD, liên doanh Geleximco - HUI của ông Vũ Văn Tiền chưa đề cập đến mức độ đầu tư bao nhiêu, chỉ nói rằng họ có mối quan hệ với các quỹ tài chính lớn.

Hiện nay, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thi công vẫn đang trong tình trạng chậm tiến độ. Năm 2008, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được ký kết, sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc. Tổng mức đầu tư dự toán vào thời điểm đó là hơn 552 triệu USD, trong đó vốn vay ODA Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 133 triệu USD.

Cuối năm 2015, đầu 2016, tổng mức đầu tư của dự án phải điều chỉnh lên 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD, thời gian đưa vào khai thác sau điều chỉnh là năm 2016.

Đến nay, theo kế hoạch, tháng 10/2017, dự án sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II/2018 dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Tin mới lên