Thị trường

Ghé thăm ngôi nhà di sản trải nghiệm gói bánh chưng của người Hà Nội xưa

(VNF) - Tết Nguyên đán từ xa xưa đã trở thành một lễ hội quan trọng, thể hiện tất cả văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán và ẩm thực của người Việt. Gói bánh chưng là hoạt động không thể thiếu trong những ngày giáp Tết.

Ghé thăm ngôi nhà di sản trải nghiệm gói bánh chưng của người Hà Nội xưa

Với mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa tại các điểm Ban đang quản lý.

Để Tết Nguyên đán không bị mai một ý nghĩa mà càng trở nên đặc biệt hơn. Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội mong muốn truyền tải đến nhân dân, du khách một số nét đặc trưng của ngày Tết truyền thống tại khu phố cổ Hà Nội.

Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán truyền thống chính là dịp đoàn tụ gia đình, sum vầy cháu con đón chào năm mới. Người Việt đón Tết không chỉ để vui chơi mà còn là cách thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ cha ông, lưu giữ các giá trị truyền thống từ nghìn xưa để lại. Vào dịp này, mọi thành viên trong gia đình sẽ tập trung cùng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, dựng cây nêu, gói bánh chưng và mua sắm các vật dụng, đồ ăn thức uống…  

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa "Mừng Đảng - Mừng Xuân" với chủ đề “Tết Việt – Tết Phố 2023”, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã tổ chức tái hiện không gian gói và luộc bánh chưng tại ngôi nhà di sản - 87 Mã Mây. 

Thành viên CLB Đình làng Việt trong trang phục áo dài truyền thống cùng gói bánh chưng Tết.

Được biết ngôi nhà di sản 87 Mã Mây là một trong số ít những ngôi nhà được thành phố Hà Nội bảo tồn và gìn giữ làm điểm tham quan, triển lãm, cung cấp thông tin về lịch sử Hà Nội.

Ngôi nhà 87 Mã Mây là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX. Tổng diện tích của ngôi nhà là 157,6m2, được xây dựng vuông góc với đường phố, chiều dài đất là 28m, chiều rộng mặt tiền 5m và chiều rộng của mặt hậu là 6m. Ngôi nhà đã thay đổi chủ nhiều lần. Năm 1945, một thương gia bán thuốc bắc mua lại ngôi nhà. Từ năm 1954 đến năm 1999, có 5 gia đình sinh sống tại đây.

Ngôi nhà bắt đầu được trùng tu từ cuối năm 1998, hoàn thành vào ngày 27/10/1999 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp). Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng (bằng gỗ) cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng. Ngày 16/2/2004, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký quyết định công nhận nhà 87 Mã Mây là di sản cấp quốc gia.

Tin mới lên