Tài chính quốc tế

Giá dầu, khí đốt lại lập đỉnh giữa khủng hoảng Nga-Ukraine

(VNF) - Giá dầu và khí đốt liên tục phá kỷ lục trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang đỉnh điểm ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng.

Giá dầu, khí đốt lại lập đỉnh giữa khủng hoảng Nga-Ukraine

OPEC+ nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng vào tháng 4 tới.

Trước lo ngại gián đoạn nguồn cung ngày một lớn do căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cùng với việc các nước phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga, giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao trong phiên giao dịch ngày 2/3.

Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng vọt 6,5% lên mức 111,18 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng vượt mốc 110 USD/thùng. Cả hai chỉ số này đều đã vượt mức cao kỷ lục kể từ năm 2014.

Xung đột leo thang tại Ukraine đã làm gia tăng tâm lý lo ngại của giới đầu tư, ngay cả khi các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bao gồm Mỹ và Nhật Bản, đồng ý xả 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ để giảm áp lực về giá.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, động thái này không thể xoa dịu lo ngại gián đoạn nguồn cung từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine bởi mức 60 triệu thùng dầu chỉ bằng sản lượng khai thác của Nga trong 6 ngày. Và 60 triệu thùng dầu cũng chỉ tương đương với mức tiêu thụ dầu chưa đầy một ngày trên toàn thế giới. 

Trong cuộc họp trực tuyến hôm nay (2/3), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng vào tháng 4 tới, bất chấp giá dầu tăng kỷ lục.

Không chỉ “vàng đen”, giá khí đốt cũng leo thang mạnh mẽ trong những ngày gần đây. Theo số liệu của Sàn giao dịch London ICE, giá khí đốt ở châu Âu trên sàn giao dịch này ngày 2/3 đã vọt lên gần 2.230 USD/1.000 m3, tăng 59,4%, phá kỷ lục được ghi nhận vào cuối tháng 12/2021,

Giá khí đốt giao tháng 4 tại Trung tâm TTF Hà Lan tăng lên 2.226 USD/1.000 m3.

Bà Ursula von der Leyen Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) trước đó cho biết EU đã liên hệ với một số nhà cung cấp LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) trong bối cảnh giá khí đốt tăng mạnh, trong số đó có cả Mỹ để tăng lượng mua.

Theo bà, châu Âu sẵn sàng đối mặt với việc Nga có thể cắt khí đốt nhờ sự giúp đỡ của các nhà cung cấp thay thế, và cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu thậm chí có thể được sử dụng để cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu cần.

Bà von der Leyen cũng cảnh báo rằng châu Âu nên đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững, cũng như một cách để độc lập với khí đốt của Nga.

Xem thêm >> Trung Quốc phản đối trừng phạt đơn phương, tuyên bố tiếp tục hợp tác thương mại với Nga

Tin mới lên