Tài chính quốc tế

Giá điện châu Âu lập kỷ lục mới sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt

(VNF) - Giá điện ở châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục, do việc Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu lục này.

Giá điện châu Âu lập kỷ lục mới sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt

Giá điện tại châu Âu đã đạt mức kỷ lục vào đầu tuần này.

Đầu tuần này, giá điện cơ bản của Đức giao vào năm tới, theo giá chuẩn của châu Âu, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13%, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 12, giao dịch ở mức 325 EUR/megawatt giờ. Hợp đồng tương đương ở Pháp cũng đã tăng gấp đôi lên 366 EUR/MWh kể từ đầu năm.

Giá điện bị ảnh hưởng nhiều bởi chi phí khí đốt, được sử dụng để tạo ra điện. Tại châu Âu, giá khí đốt đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng và tăng hơn 4 lần kể từ một năm trước sau khi Moscow cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.

William Peck, nhà phân tích thị trường điện tại ICIS, một công ty phân tích hàng hóa, cho biết giá điện cao hơn phản ánh niềm tin của các nhà giao dịch về việc nguồn cung khí đốt sẽ còn khan hiếm trong ít nhất một năm nữa.

Những lo ngại về nguồn cung cấp khí đốt đang gia tăng khi đường ống Nord Stream 1 giữa Nga và Đức, vốn đang bị giảm 60% công suất, sẽ bị đóng cửa từ ngày 11/7 để bảo trì theo lịch trình.

Mặc dù Moscow tuyên bố các lệnh trừng phạt đã dẫn đến sự suy giảm dòng chảy do các bộ phận máy nén quan trọng bị kẹt ở Canada, nhưng các chính trị gia châu Âu coi đây là cái cớ để cắt giảm nguồn cung và lo ngại rằng dòng chảy thậm chí sẽ không trở lại công suất hiện tại là 40% khi đường ống hoạt động trở lại.

Đức có kế hoạch sản xuất nhiệt điện than lên tới 10GW, nhưng các nhà phân tích cho rằng giá than cao kỷ lục sẽ hạn chế sự “cứu rỗi” của than đối với thị trường điện. Do chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao và lĩnh vực sản xuất suy yếu, cán cân thương mại của Đức chuyển sang âm vào tháng 5 ở mức 1 tỷ EUR lần đầu tiên kể từ năm 1991.

Tháng trước, Berlin đã áp dụng giai đoạn 2 của kế hoạch khẩn cấp gồm 3 giai đoạn. Cấp độ thứ ba sẽ yêu cầu phân chia lượng khí đốt cho các hộ gia đình và người sử dụng công nghiệp. Cuối tuần trước, một quan chức chính quyền địa phương ở Hamburg đã cảnh báo rằng có thể cần phải phân bổ nước nóng trong mùa đông nếu tình trạng thiếu khí đốt trở nên trầm trọng.

Giá điện cao đã có dấu hiệu làm giảm nhu cầu của người dân. Ông William Peck cho biết nhu cầu điện của Đức đã giảm 5% trong 4 tháng qua so với năm trước do chi phí năng lượng cao hơn, điều này chủ yếu phản ánh việc người dùng công nghiệp cắt giảm hoạt động.

Các nhà máy luyện kẽm và nhôm ở châu Âu đang chịu áp lực đáng kể từ chi phí năng lượng tăng và giá cả giảm. Chris Heron, giám đốc các vấn đề công cộng tại Eurometaux, hiệp hội kim loại châu Âu, cho biết lĩnh vực này đã “quỳ gối” kể từ tháng 9 năm ngoái và “việc đóng cửa thêm nhà máy là mối quan tâm thực sự nếu giá điện ở mức cao như vậy”.

Xem thêm >> Các nhà xuất khẩu LNG Mỹ công bố loạt thoả thuận mới giữa ‘cơn khát’ khí đốt của châu Âu

Từ khoá: châu Âu, Đức, giá điện,
Tin mới lên