Tiêu điểm

‘Giá gạo xuất khẩu đang cao nhất 10 năm nhưng lúa của nông dân lại không lên giá’

(VNF) – Đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) nêu lên thực tế này để đặt vấn đề về việc hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng trong phiên thảo luận của Quốc hội hôm nay (15/6).

‘Giá gạo xuất khẩu đang cao nhất 10 năm nhưng lúa của nông dân lại không lên giá’

Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công

Theo đại biểu Công, hiện nay cử tri tại Đồng bằng sông Cửu Long đang rất quan tâm vấn đề dự trữ ngọt để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

“Đây là yêu cầu cấp bách trong tình hình hạn hán, nhiễm mặn hiện nay. Các công trình trữ ngọt hiện nay rất hiếm. Hàng loạt vườn cây ăn trái đang chết vì khi hạn hán, nhiễm mặn. Người dân phải đi hàng km để chở vài chục lít nước ít ỏi từ nguồn cứu trợ của các tô chức từ thiện để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, còn các nhu cầu khác thì phải sống chung với nước mặn”, ông Công nói và cho biết cử tri tha thiết yêu cầu chính phủ ưu tiên thực hiện các công trình trữ ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất theo mục tiêu phát triển bền vững.

Đại biểu Công cũng cho biết cử tri vùng Đồng bằng sông Cửu Long mong muốn chính phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng xem xét xóa nợ, giãn nợ, khoanh nợ, cho người dân vay vốn với lãi sất thấp để sớm khôi phục vườn cây ăn trái trong thời gian tới.

“Hai loại cây chủ lực là sầu riêng và chôm chôm rất mẫn cảm với nước mặn, độ mặn 1 phần ngàn cũng đã có thể chết, muốn khôi phục vườn sầu riêng phải mất 6 – 8 năm, chôm chôm 4 – 5 năm. Hiện nay, các ngân hàng đang làm khá tốt công việc này nhưng đối tượng các ngân hàng hướng tới là các doanh nghiệp chứ không phải các hộ nông dân”, ông Công nói.

Đáng chú ý, theo ông Công, cử tri mong muốn chính phủ hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

“Chính phủ đã tích cực giải quyết mối quan hệ này, nhưng đến nay vẫn chưa tốt. Người sản xuất rất cực nhọc nhưng giá đầu ra rất bấp bênh. Người kinh doanh chịu chi phí khâu trung gian lớn, người tiêu dùng phải mua giá đắt đỏ. Ví dụ hiện giá gạo xuất khẩu đang cao nhất trong 10 năm qua nhưng lúa của người nông dân vẫn không lên giá”, ông Công cho biết.

Cũng theo ông Công, cử tri Đồng bằng sông Cửu Long mong mỏi Bộ Giao thông vận tải  và Chính phủ quan tâm  tới Quốc lộ 54 - đi qua 3 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh.

“Đây là tuyến đê bao dọc sông Hậu, hiện xuống cấp trầm trọng, mặt quốc lộ mà chỉ bằng đường cấp 5 đồng bằng. Đây là tuyến giao thông vào vùng trọng điểm sản xuất khoai lang của Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi muốn thời gian tới Bộ trưởng Giao thông vận tải nghiên cứu đưa tuyến đường này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2011 – 2026”, ông Công kiến nghị.

Tin mới lên