Tài chính quốc tế

Giá khí đốt tăng vọt, ngành điện lực châu Âu cần 1.500 tỷ USD tiền ký quỹ

(VNF) - Tập đoàn năng lượng của Na Uy là Equinor ước tính các công ty châu Âu sẽ cần ít nhất 1.500 tỷ EUR (1.500 tỷ USD) để trang trải các chi phí do giá khí đốt tăng cao, Reuters đưa tin.

Giá khí đốt tăng vọt, ngành điện lực châu Âu cần 1.500 tỷ USD tiền ký quỹ

Các công ty tiện ích của châu Âu gặp khó khăn với dòng tiền ký quỹ phải duy trì.

Kể từ khi nguồn cung khí đốt từ Moscow bị thu hẹp và nỗi lo khủng hoảng năng lượng tăng cao, các quan chức Liên minh châu Âu đã tích cực can thiệp để ngăn thị trường năng lượng ngừng trệ.

Bên cạnh đó, một số quốc gia châu Âu đã cung cấp hàng tỷ EUR hỗ trợ cho các nhà cung cấp tiện ích bị ảnh hưởng bởi các khoản thanh toán tài sản thế chấp bổ sung cho các giao dịch của họ, hay còn được gọi là các cuộc gọi ký quỹ.

Tuy nhiên, theo ước tính của tập đoàn Equinor, những khoản hỗ trợ từ chính phủ chỉ góp phần rất nhỏ trong số tiền ký quỹ mà các công ty điện lực khắp châu Âu đang phải chịu.

Theo đó, các công ty tiện ích thường bán điện trước để đảm bảo một mức giá nhất định, nhưng phải duy trì một khoản đặt cọc "ký quỹ tối thiểu" trong trường hợp vỡ nợ trước khi họ cung cấp điện.

Chi phí này đã liên tục tăng cao trong thời gian gần đây do giá năng lượng tăng vọt, chủ yếu do Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, khiến các công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tiền mặt để trang trải cho khoản ký quỹ.

Theo Phó chủ tịch cấp cao phụ trách khí đốt và điện của Equinor Helge Haugane, tại châu Âu, ngoại trừ Anh, tổng số các lệnh gọi ký quỹ như vậy có thể đạt giá trị hơn 1.500 tỷ EUR (tương đương 1.500 tỷ USD), siết chặt tính thanh khoản của thị trường và khiến một số công ty vừa và nhỏ gặp khó khăn.

“Đây chỉ là nguồn vốn đã chết và bị ràng buộc bởi các cuộc gọi ký quỹ. Nếu các công ty cần phải bỏ ra nhiều tiền như vậy, điều đó có nghĩa là thanh khoản trên thị trường sẽ cạn kiệt và điều này không tốt cho thị trường khí đốt", ông Haugane cho biết trong một hội nghị Gastech ở Milan. 

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gấp 5 lần so với mức một năm trước sự kiện bắt đầu vào ngày 24/2 giữa Nga và Ukraine, và còn tăng cao hơn nữa kể từ đầu tuần này do Moscow đóng cửa vô thời hạn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 1).

Cho đến nay, Đức đã giới thiệu kế hoạch lớn nhất của châu Âu để hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng bởi hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine, dành ra khoản vay 7 tỷ EUR để dành cho các công ty đang gặp vấn đề về thanh khoản.

Áo cũng mở rộng khoản tín dụng trị giá 2 tỷ EUR để chi trả cho các vị trí giao dịch của công ty điện lực thành phố Vienna. Phần Lan và Thụy Điển đã công bố một cơ sở thanh khoản khẩn cấp trị giá 33 tỷ USD để hỗ trợ các tiện ích thông qua các khoản vay và bảo lãnh tín dụng.

Ông Haugane cho biết việc cắt giảm nhu cầu trên diện rộng sẽ là giải pháp ngắn hạn khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng điện của châu Âu nếu Nga cắt toàn bộ nguồn cung cấp khí đốt. Ông cũng nói rằng đề xuất của Liên minh châu Âu về việc áp đặt trần giá đối với khí đốt nhập khẩu và khí đốt được sử dụng để sản xuất điện sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản của lục địa này.

"Trong trường hợp nguồn cung của Nga ngừng hoàn toàn, mức giảm về nhu cầu cần phải lớn hơn nữa so với trước đó, và không có giới hạn giá hoặc bất kỳ điều gì tương tự có thể giải quyết vấn đề cơ bản", ông Haugane nói tại hội nghị Gastech.

Những người ủng hộ giới hạn giá khí đốt cho rằng biện pháp này sẽ ngăn chặn một số giao dịch phái sinh để tránh các cuộc gọi ký quỹ nhưng ông Haugane không mấy đặt niềm tin vào lập luận này.

Trước đó, hồi tháng 7, EU đã yêu cầu 27 quốc gia thành viên tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt xuống 15% trong mùa đông này, đi kèm với điều khoản việc cắt giảm bắt buộc có thể xảy ra trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, các chính phủ EU không mấy thành công trong việc kêu gọi người dân hạn chế sử dụng năng lượng.

Cuối tuần này, ngày 9/9, các bộ trưởng EU sẽ thảo luận về một số lựa chọn bao gồm giới hạn giá khí đốt nhập khẩu, giới hạn giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, hoặc tạm thời loại bỏ các nhà máy điện khí khỏi hệ thống ấn định giá điện hiện tại của EU.

Xem thêm >> Pháp – Đức tính trao đổi năng lượng để 'cầm cự' trước bất ổn nguồn cung từ Moscow

Tin mới lên