Tài chính

Giá khởi điểm quá cao, cổ phiếu Sabeco liệu có tạo hấp lực?

(VNF) - Lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận, mức giá khởi điểm chào bán cổ phiếu Sabeco (HOSE: SAB) lên đến 320.000 đồng/cổ phiếu sẽ khó thoái vốn toàn bộ như kỳ vọng, tuy nhiên vẫn buộc phải đưa ra mức giá này vì... không thể đi ngược quy luật thị trường.

Giá khởi điểm quá cao, cổ phiếu Sabeco liệu có tạo hấp lực?

Nhà nước dự thu 5 tỷ USD từ đợt thoái vốn Sabeco sắp tới

Tại buổi công bố thông tin chào bán cạnh tranh cổ phần Nhà nước tại Sabeco sáng 29/11, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ bán 53,59% vốn, tương ứng 343.662.587 cổ phiếu, với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 18.12 tới.

Thu khoảng 5 tỷ USD nếu thoái vốn thành công

Theo ông Trương Thanh Hoài, đại diện Bộ Công thương, mức giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu này được xác định trên nguyên tắc lấy giá cao nhất trong các mức giá sau đây: Thứ nhất là mức giá tham chiếu bình quân của 30 phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán vào trước thời điểm công bố thông tin về việc bán vốn nhà nước tại Sabeco là 281.500 đồng/cổ phiếu; Thứ hai là mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn ở mức 184.700 đồng/cổ phiếu; Và thứ ba là giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin ở mức 320.000 đồng/cổ phiếu (ngày 28.11).

Như vậy, với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền mà cổ phiếu Sabeco thu về dự kiến sẽ lên tới hơn 109.972 tỷ đồng, tương đương khoảng 5 tỷ USD.

Cũng theo quy định của Bộ Công Thương, số lượng cổ phần của mỗi nhà đầu tư đăng ký mua tối thiểu là 20.000 cổ phần và tối đa là 343.662.587 cổ phần (tương đương 53,59% vốn). Tuy nhiên, chỉ có nhà đầu tư trong nước mới được mua với tỷ lệ này. Riêng với các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tỷ lệ 49% vốn điều lệ của Sabeco, nên sau khi trừ đi khối lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ, thì số lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài được mua trong đợt chào bán này là 247.470.409 cổ phần (tương ứng 38,59% vốn).

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng quy định rõ, những nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua. Ngoài ra, phải thực hiện các quy định về thông báo tập trung kinh tế cho Bộ Công Thương trước khi nhà đầu tư là tổ chức cùng ngành với Sabeco đăng ký tham gia chào giá cạnh tranh, mua cổ phần Sabeco có thể dẫn đến việc thị phần kết hợp vượt mức quy định của Luật Cạnh tranh.

Trước đó, tại hai đợt bán phần vốn tại Vinamilk của SCIC đã mang lại gần 1 tỷ USD, gia tăng giá trị đồng vốn của Nhà nước hơn 2.500 tỷ đồng so với giá giao dịch, đã mang lại kỳ vọng cho thị trường về đợt thoái vốn của Sabeco lần này. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi thị trường trở nên quá hưng phấn với câu chuyện thoái vốn thì việc giá cổ phiếu SAB tăng ồ ạt lại bất ngờ trở thành rào cản cho các đợt bán vốn thành công.

Câu hỏi đặt ra là, với mức giá trên 300.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư chiến lược nào sẽ sẵn sàng tham gia mua cổ phần Sabeco do Bộ Công thương đang sở hữu?

Trả lời báo chí về việc mức giá trên thị trường của SAB đang được các nhà đầu tư quốc tế nhận định là quá cao nếu tham chiếu so với giá cổ phiếu Vinamilk và với các hãng bia quốc tế, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, tuy sẽ khó thoái vốn toàn bộ như kỳ vọng, tuy nhiên vẫn buộc phải đưa ra mức giá này vì... không thể đi ngược quy luật thị trường.

Ngay sau khi Bộ Công Thương công bố mức giá khởi điểm chào bán SAB là 320.000 đồng, trên thị trường chứng khoán cổ phiếu SAB đã tăng giá mạnh. Trong phiên sáng nay, SAB có thời điểm tăng tới 16.000 đồng/cổ phiếu, lên mức 336.000 đồng/cổ phiếu và đóng cửa phiên sáng ở mức 335.000 đồng/cổ phiếu (tăng 4,7%).

Sẽ giữ nguyên thương hiệu Sabeco

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT, Sabeco là hãng bia có tổng công suất cao nhất, đạt 1,8 tỷ lít bia/năm với 23 nhà máy bia trải dài trên khắp cả nước. Với mức độ phủ sóng của các nhà máy tại cả Bắc, Trung và Nam, Sabeco dễ dàng tiếp cận với các đối tượng khách hàng trên mọi khu vực địa lý, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho Sabeco so với các hàng bia khác. Đặc biệt, là đơn vị đầu ngành nắm 40% thị phần bia nội địa, Sabeco rõ ràng là con mồi béo bở cho những hãng bia lớn trên thế giới muốn gia nhập thị trường Việt Nam qua con đường ngắn nhất M&A.

Tuy nhiên, nếu việc thị giá vượt quá cao cùng tốc độ tăng trưởng chậm lại trong vài năm gần đây sẽ "đẩy" Sabeco vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" vì Bộ Công Thương không thể bán SAB với giá thấp hơn giá thị trường. Trong khi đó, với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu mà Bộ Công Thương công bố thì khả năng gần như dòng tiền trên toàn bộ thị trường sẽ đổ hết vào SAB nếu đợt thoái vốn này thành công. Liệu điều này có khả năng?

Trong một diễn biến khác, liên quan đến việc Nhà nước sẽ chỉ còn nắm khoảng 36% vốn Sabeco thì việc giữ thương hiệu sẽ như thế nào? Ông Trương Thanh Hoài, Cục Công nghiệp cho biết, thương hiệu Sabeco rất lớn, chưa kể khi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài như Carlsberg, Heineken và Thai Beer... thì họ cũng có mong muốn tham gia mua cổ phần Sabeco và cam kết bằng văn bản giữ thương hiệu Sabeco. Hơn nữa, theo Nghị định 59 của Chính phủ quy định thì Sabeco là thương hiệu Quốc gia nên thương hiệu phải được giữ gìn.

Được biết trong đợt đấu giá này, khác với đợt đấu giá Vinamilk lần trước, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu SAB bằng cách cho phép đặt cọc bằng ngoại tệ và có cả bảo lãnh - Đây là nghiệp vụ lần đầu tiên trong quá trình đấu giá cạnh tranh lần này.

"Trong hai buổi Roadshow ở Singapore và Vương quốc Anh, Sabeco đã nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư. Đặc biệt, Sabeco cũng có khoảng 15 buổi tiếp xúc riêng với các nhà đầu tư, đại diện những quỹ đầu tư thuộc hàng lớn nhất thế giới đang quản lý từ vài chục đến vài trăm tỷ USD và họ đang rất hào hứng với SAB nên đợt thoái vốn này được Sabeco kỳ vọng rất nhiều", ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sabeco cho biết.

Tin mới lên