Bất động sản

Gia nhập EVFTA: Cơ hội nào cho bất động sản công nghiệp?

(VNF) - Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) Việt Nam và Liên minh châu Âu chính vừa được phê chuẩn vào chiều tối ngày 12/02/2020 (theo giờ Việt Nam), gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa, qua đó, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội lớn trong cho bất động sản (BĐS) công nghiệp 'bứt tốc' trong 5 năm tới.

Gia nhập EVFTA: Cơ hội nào cho bất động sản công nghiệp?

'Cởi trói' đón dòng vốn FDI

Theo đánh giá của Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) ước tính EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 4,3% cho đến năm 2030. Tổng giá trị xuất khẩu tới Liên minh châu Âu sẽ tăng 44,4% cho đến năm 2030. Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy đầu tư sản xuất tới Việt Nam, giúp duy trì dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong các năm tới.

Không những thế, khi gia nhập EVFTA, các nhà thầu EU sẽ được tham gia thầu các gói thầu của các bộ ngành, bao gồm cả các gói thầu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đường sá và cảng biển, các doanh nghiệp nhà nước quan trọng, ví dụ các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực và đường sắt trên toàn quốc và 34 bệnh viện công tại Hà Nội và TP. HCM.

Trong vài năm tới, dòng vốn FDI châu Âu sẽ gia tăng đầu tư phát triển tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, thậm chí sẽ có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành. Đó là cơ hội, tiềm năng lớn đề phát triển BĐS công nghiệp.

Ông John Campbell, tư vấn cấp cao dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam, nhận định: Chính những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã xóa bỏ 99% thuế hải quan, hàng hóa thông thương sẽ gia tăng thu hút vào lĩnh vực BĐS công nghiệp.

Ông John Campbell đánh giá: "BĐS công nghiệp phát triển tác động tích cực và trực tiếp đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê... Các tập đoàn đa quốc gia sẽ đem theo một đội ngũ rất lớn chuyên gia, người lao động đến khu vực mà họ đặt nhà máy, văn phòng làm việc từ đó các phân khúc này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới".

Trong khi đó, CBRE Việt Nam dẫn chứng số liệu giá đất công nghiệp giữa Trung Quốc và Việt Nam có sự chênh lệch rõ rệt. Theo đó, giá thuê đất công nghiệp ở Việt Nam trung bình hấp dẫn hơn, từ 100-140 USD/m2/chu kỳ thuê, trong khi giá ở Trung Quốc đến 180 USD/m2/chu kỳ.

Công ty JLL Việt Nam cũng thống kê mức giá thuê tại các KCN ở Việt Nam đã có chiều hướng tăng và tỉ lệ lấp đầy đã nhích lên. Theo JLL, giá thuê trung bình quý II/2019 đã tăng 15,8% so quý trước. Với mức 162 USD/m2/chu kỳ thuê, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là thị trường có giá thuê đất và nhà xưởng cao nhất phía Nam; tiếp theo là Đồng Nai 160 USD/m2/chu kỳ thuê....

Với lợi thế giá thuê đất, nhân công rẻ và khi hàng rào thuế xuất đã xoá bỏ, chắc chắn nhiều nhà đầu từ FDI sẽ tìm đến thị trường Việt Nam.

Đón nhận cơ hội thế nào?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh đánh giá: "Trong tương lai gần, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển khi các tập đoàn dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không quá ảo tưởng về những lợi ích to lớn mà xu hướng này mang lại. Bởi hiện tại sức cạnh tranh của Việt Nam còn thua Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…

"Đón nhận và ứng xử với xu hướng dịch chuyển này ra sao để tốt nhất cho thị trường là vấn đề. Theo tôi, cần nâng cao chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc phát triển hạ tầng, công nghiệp phụ trợ để thu hút BĐS công nghiệp. Văn phòng làm việc sẽ sôi động; căn hộ cho thuê, hộ gia đình cũng như các dịch vụ liên quan đến giáo dục, vui chơi, giải trí, mua sắm… cũng sẽ được thúc đẩy từ sự phát triển của BĐS công nghiệp" - ông Lê Hoàng Châu nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh

Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, chuyên gia phát triển dự án khu công nghiệp (KCN) - Phó tổng Giám đốc Công ty Kizuna, cho rằng bên cạnh mô hình KCN truyền thống, vốn rất khó để DN nhỏ và vừa tiếp cận, các công ty BĐS KCN nên nghiên cứu mô hình kiểu mới cung cấp dịch vụ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lượng tái tạo.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, "sự bùng nổ của hoạt động thuê và cho thuê bất động sản công nghiệp đã được dự đoán sớm ngay khi hiệp định EVFTA được thông qua và chuẩn bị đi đến ký kết".

Ông Nguyễn Trần Nam tin tưởng và dự báo một sự bùng nổ đầu tư ồ ạt nhằm sản xuất sản phẩm của các doanh nghiệp từ EU và chuỗi giá trị khác vào Việt Nam sẽ xảy ra nhanh chóng trong khoảng từ 3 đến 5 năm tới.

"Các nhà đầu tư Việt Nam cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội và chuẩn bị sẵn sàng các khu nhà xưởng cho thuê nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về bất động sản công nghiệp này", ông Nam nói.

Tin mới lên