Thị trường

Giá ô tô tại Việt Nam sẽ ngày càng rẻ hơn?

Các hãng ô tô tăng công suất sản xuất xe trong nước, các loại thuế và phí giảm... là những yếu tố được kỳ vọng giúp giá xe ngày càng rẻ hơn.

Giá ô tô tại Việt Nam sẽ ngày càng rẻ hơn?

Giá nhiều dòng ô tô cả sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu đã giảm khá mạnh trong thời gian qua nhưng vẫn còn cao. Ảnh: QUANG HUY

Những dự đoán về một năm thất thủ cho ngành kinh doanh ô tô vì dịch bệnh đã trở nên lạc lõng. Kết thúc năm 2020, theo công bố từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng tiêu thụ ô tô Việt Nam đạt 296.634 chiếc, chỉ giảm nhẹ 7,8% so với cùng kỳ.

Bùng nổ nhu cầu mua ô tô

Công ty Chứng khoán SSI mới đây đưa ra nhận định thu nhập bình quân trên đầu người Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh. So sánh với các quốc gia trong khu vực, mức thu nhập bình quân hiện nay của Việt Nam đang tiến rất gần tới điểm bùng nổ về nhu cầu mua ô tô.

Hiện tỷ lệ người Việt có xe mới đạt 34 xe/1.000 người. So với Thái Lan và Indonesia, tỷ lệ này còn rất thấp. Do đó, tỷ lệ tiêu thụ ô tô sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021.

Đặc biệt, quy mô thị trường đã đủ lớn để các nhà sản xuất ô tô chuyển dịch từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước. Đây là yếu tố rất quan trọng bởi trước đó các nhà sản xuất ô tô chủ yếu nhập khẩu các mẫu xe vì quy mô thị trường chưa đủ lớn để lắp ráp xe trong nước.

“Khi thị trường ô tô Việt Nam đang phát triển nhanh chóng về sản lượng tiêu thụ và thị phần ngày càng trở nên tập trung, lĩnh vực sản xuất ô tô thu hút nhiều vốn đầu tư hơn” - SSI đánh giá.

Hiện trên thị trường ô tô Việt Nam có sáu thương hiệu mạnh, chiếm 90% thị phần. Đó là Thaco, Hyundai, Toyota, Mitsubishi, Ford và Honda với doanh số bình quân 30.000-60.000 chiếc/năm. Các thương hiệu ô tô hàng đầu đã công bố đầu tư vào các nhà máy lắp ráp ô tô lớn trong thời gian gần đây.

Đơn cử như Ford đầu tư 1.900 tỷ đồng để sản xuất 30.000 chiếc/năm. Hyundai đầu tư 3.200 tỷ đồng sản xuất 100.000 chiếc/năm, hay Mitsubishi đầu tư gần 6.000 tỷ đồng để sản xuất 40.000 chiếc/năm.

Nhiều dự án lắp ráp khác cũng sẽ triển khai trong thời gian tới như nhà máy Honda và Toyota mở rộng. Ngoài ra, thương hiệu xe Việt Nam VinFast cũng sẽ gia tăng sản lượng ô tô trong thời gian tới.

Song song đó, các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô cũng mở rộng sản xuất trong năm nay. Có thể kể đến như Fukurawa, Thành Công Việt Hưng, VinFast…

Cú hích với giá xe

Sản lượng sản xuất xe trong nước tăng nhanh đang dần đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và có thể giúp giá xe ngày càng rẻ hơn.

“Với việc có thêm nhiều nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô mới dự kiến hoàn thành vào giai đoạn 2022-2023, thị trường ô tô sẽ cực kỳ sôi động; các nhà sản xuất có thể cho ra nhiều chính sách chiết khấu và giảm giá mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu thị trường, bắt kịp nguồn cung mới” - SSI nhận định.

Không chỉ vậy, sau khi Nghị định 57/2020 của Chính phủ ra đời và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, rất nhiều loại thuế, phí đã được cắt bỏ một phần. Từ đó, giá ô tô cũng giảm theo tương ứng.

“Về lâu dài, Việt Nam cần chính sách căn cơ thu hút các tập đoàn sản xuất linh phụ kiện hàng đầu thế giới vào để làm giảm chi phí, giảm giá thành” - SSI khuyến nghị.

Đại diện Tập đoàn Thaco nhìn nhận khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, thuế nhập khẩu linh phụ kiện từ các nước EU về Việt Nam giảm.

Cộng thêm việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với Nhật, Hàn Quốc, Anh… thì trong thời gian tới chi phí nhập khẩu linh kiện về sản xuất, lắp ráp sẽ giảm do thuế giảm dần về 0%.

Khi thuế giảm, chi phí sản xuất giảm, giá thành ô tô sản xuất trong nước sẽ giảm và các sản phẩm bán trong nước lẫn xuất khẩu sẽ cạnh tranh hơn. Điều này cũng có nghĩa là Việt Nam có thể xuất khẩu ô tô vào những thị trường mà nước ta đã ký kết hiệp định.

Thời gian qua, thuế nhập khẩu 0% đã được áp dụng cho các mẫu xe có mức nội địa hóa trên 40% sản xuất tại khu vực ASEAN.

Hiện với cơ cấu giá bán xe tầm trung tại thị trường VN, nếu chi phí sản xuất xe và bán hàng chiếm 60% thì thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 23%; thuế giá trị gia tăng và phí trước bạ cũng như các loại phí, thuế khác là 17%. 

Chỉ còn chờ thuế, phí trong nước giảm thêm

Dù giá ô tô tại Việt Nam gần đây giảm nhưng vẫn cao hơn gần hai lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển ổn định như Mỹ, Nhật. Nguyên nhân chủ yếu là do thuế và phí đối với ô tô sản xuất trong nước cao.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng muốn công nghiệp ô tô trong nước phát triển, sản phẩm làm ra cạnh tranh được với xe nhập nguyên chiếc thì phải có giá thành thấp và chất lượng tốt.

Như vậy mới bán được hàng và giúp các hãng ô tô tăng quy mô. Quy mô tăng sẽ lôi kéo các nhà đầu tư vào sản xuất linh kiện, qua đó nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để giúp giá xe tại Việt Nam rẻ hơn.

“Lúc này giá xe Việt Nam có thể tương đương với giá xe Thái. Với sự trợ giúp từ các chính sách của chính phủ, Thái Lan đã trở thành nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) trong lĩnh vực xe hơi. Nhờ đó Thái Lan đã vươn lên là một trung tâm sản xuất ô tô của khu vực châu Á, không chỉ vậy còn rất mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu linh kiện và phụ tùng xe hơi” - ông Đồng phân tích.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty Hiền Toyota, cũng cho rằng nhìn về cơ cấu giá bán một chiếc xe bao gồm giá thành và thuế, phí. “Trong khi các hãng xe có thể chủ động giá thành thì các loại thuế, phí phụ thuộc vào chính sách Nhà nước. Chỉ cần Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, phí theo hướng giảm sẽ giúp giá xe giảm mạnh hơn nữa và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi” - bà Hiền nói.

Nhiều mẫu ô tô đã giảm giá khá mạnh

Theo khảo sát nhanh của chúng tôi, giá xe năm 2020 có xu hướng giảm khá mạnh so với năm 2019. Việc giảm giá diễn ra với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lẫn nhập khẩu. Ngoài nguyên nhân dịch bệnh thì sự đa dạng nguồn cung, chủng loại xe đã khiến các hãng xe và đại lý giảm giá để kích cầu, tăng sức cạnh tranh.

Điển hình như loại xe cỡ nhỏ, giá bình dân (phân khúc A) gồm các mẫu như Kia Morning, Hyundai Grand i10, Honda Brio, Toyota Wigo… với mức giá 300-500 triệu đồng đều được các đại lý giảm giá 5-40 triệu đồng tùy loại xe.

Với phân khúc SUV như Honda CR-V, Mazda CX-5… giảm giá 30-90 triệu đồng. Ở phân khúc hạng sang, nhiều mẫu xe giảm giá mạnh từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Ví dụ, với mẫu BMW X7 từ 7,499 tỷ đồng xuống mức 6,849 tỷ đồng, giảm 650 triệu đồng. Thậm chí có đại lý giảm thêm cho khách nhiều khoản khác nên tổng mức giảm có thể đến 1,1 tỷ đồng.

Tin mới lên