Tài chính

Giá than tăng mạnh đẩy giá ure tăng 'phi mã', Đạm Cà Mau (DCM) thu lãi kỷ lục trong quý III

(VNF) - Quý III, Đạm Cà Mau (DCM) hưởng lợi từ việc giá than tăng do tình trạng thiếu nguồn cung than tại Trung Quốc - liên quan đến việc quốc gia này đặt mục tiêu nền kinh tế cacbon thấp (decarbonization) và các vấn đề khác như lũ lụt nặng nề và tai nạn lao động tại mỏ than.

Giá than tăng mạnh đẩy giá ure tăng 'phi mã', Đạm Cà Mau (DCM) thu lãi kỷ lục trong quý III

Giá than tăng mạnh đẩy giá ure tăng 'phi mã', Đạm Cà Mau (DCM) thu lãi kỷ lục trong quý III

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần đạt 1.811 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ chi phí giá vốn giảm mạnh, DCM thu về 583 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong quý, tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ. Biên lãi gộp quý này tăng từ 12,7% lên 32%.

Doanh thu tài chính quý III đạt gần 40 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Trong khi chi phí tài chính giảm hơn 58% còn 4,2 tỷ đồng thì chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng khá cao (50% và 12%) lên 135,8 tỷ đồng và 90 tỷ đồng.

Tuy nhiên với lợi nhuận gộp tăng mạnh mẽ, DCM ghi nhận lãi sau thuế lên tới 373,8 tỷ đồng trong quý III, cao gấp 3,6 lần kết quả cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận "khủng" nhất kể từ khi lên sàn của DCM.

Doanh nghiệp cho biết, trong quý vừa qua, mặc dù sản lượng tiêu thụ giảm song giá bán các sản phẩm phân bón lại tăng cao hơn quý III/2020 (ví dụ như giá bán bình quân sản phẩm Ure đã tăng 64%), giúp cho lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ.

Lũy kế 3 quý năm 2021, doanh thu thuần của DCM ở mức 6.048 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 822 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 78% so với cùng giai đoạn năm ngoái.

Với kết quả này, DCM đã hoàn thành 78% kế hoạch doanh thu và vượt 316% kế hoạch lợi nhuận đề ra cả năm.

Tại thời điểm lập báo cáo quý III, tổng tài sản của DCM đạt trên 9.630 tỷ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp đang có 3.412 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn và 1.446 tỷ đồng là giá trị hàng tồn kho, tăng 48% và 73% sau 9 tháng hoạt động.

DCM tiếp tục duy trì cấu trúc tài chính khỏe khoắn, với nợ phải trả chỉ chiếm 2.967 tỷ đồng, tương ứng 30% nguồn vốn. Dư nợ vay cũng rất thấp, chỉ ghi nhận ở gần 380 tỷ đồng. 

Thời gian qua, DCM hưởng lợi từ việc giá than tăng do tình trạng thiếu nguồn cung than tại Trung Quốc - liên quan đến việc quốc gia này đặt mục tiêu nền kinh tế cacbon thấp (decarbonization) và các vấn đề khác như lũ lụt nặng nề và tai nạn lao động tại mỏ than.

Dự báo cho quý IV, theo Công ty Chứng khoán SSI (SSI) thì tình trạng thiếu nguồn cung than sẽ mất thêm nhiều thời gian để giải quyết, qua đó giữ giá than tiếp tục neo ở mức cao như hiện nay.

Bên cạnh đó, nhà máy Ure của DCM sẽ khấu hao hết vào cuối 2023, giúp tăng lợi nhuận ròng và trả cổ tức đáng kể sau đó.

Trên thị trường, cổ phiếu DCM đóng cửa phiên giao dịch 26/10 ở mức 31.800 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 300 đồng.

Tin mới lên