Thị trường

Giá thanh long tăng mạnh, thương hiệu thanh long Bình Thuận được hàng chục nước bảo hộ

(VNF) - Trong 6 tháng qua, tình hình tiêu thụ thanh long diễn biến rất tốt. Tại các vựa trái cây ở Bình Thuận, hiện giá thanh long đang được rao bán cao hơn nhiều so với các năm trước, trung bình 17.000 - 20.000 đồng/kg.

Giá thanh long tăng mạnh, thương hiệu thanh long Bình Thuận được hàng chục nước bảo hộ

Giá thanh long tại Bình Thuận trung bình đạt 17.000 - 20.000 đồng/kg

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, trung bình giá bán của nông dân từ tháng 1 – 6/2019 khoảng 16.600 đồng/kg. Dự kiến 6 tháng cuối năm, giá thanh long sẽ tăng cao hơn.

Kết quả khảo sát thực tế nông dân cho thấy đa số nông dân cho biết giá bán thanh long năm nay cao hơn năm ngoái 2.000-3.000đ/kg.

Thu nhập của người nông dân 6 tháng đầu năm 2019 cao hơn năm 2018 và dự kiến giá sẽ tiếp tục tăng do Trung Quốc gia tăng tiêu thụ chính ngạch. Lợi nhuận trung bình/ha (đã trừ chi phí) đạt 200 triệu đồng/ha (với giá 15.000/kg).

Mặt hàng Thanh Long cũng được mở thị trường xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Úc, Chile, Argentina, Thụy Sỹ, Ấn Độ…

Ông Phan Văn Tấn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết thanh long chính vụ tại tỉnh năm nay được giá hơn các năm là do hai yếu tố: chỉ dẫn địa lý và chất lượng trái thanh long tăng cao.

Theo đó, diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên địa bàn toàn tỉnh có 264 ha.

Ngoài ra từ năm 2018, Trung Quốc yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Để đáp ứng yêu cầu trên, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành cấp trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói và tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của các địa phương.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 13.182 ha thanh long áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước góp phần làm giảm được lượng phân bón và nước tưới cho cây thanh long; sử dụng bóng đèn compact (18-20W) thay thế bóng đèn sợi tóc (60-75W) cho thanh long ra hoa trái vụ, góp phần giảm lượng tiêu thụ điện, chi phí sản xuất, tăng thu nhập; diện tích được chong đèn là 24.545 ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cũng cho biết tỉnh đã hoàn thành khảo nghiệm và báo cáo kết quả xử lý thanh long ra hoa trái vụ bằng đèn LED.

Tỉnh cũng áp dụng mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao trên cây thanh long. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 500 ha thanh long trồng giàn áp dụng đồng bộ hệ thống tưới tự động và cơ giới hóa trong sản xuất (đang theo dõi đánh giá hiệu quả).

Cũng theo ông Tấn, trong năm 2018, tỉnh đã cấp 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện, nâng tổng số tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý lên 88 đơn vị với tổng diện tích sản xuất 2.418 ha.

Chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được đăng ký bảo hộ tại các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU), riêng nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT, hình” hiện nay đã có 12 nước đồng ý bảo hộ gồm: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Đài Loan, Hoa Kỳ.

Đối với đơn đăng ký bảo hộ tại Singapore và Hong Kong, hiện nay Hiệp hội thanh long sửa đổi, bổ sung tài liệu đối với hồ sơ đăng ký nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT, hình” theo yêu cầu của 2 cơ quan sở hữu trí tuệ tại Hong Kong và Singapore.

Đối với nhãn hiệu “BÌNH THUẬN, hình”: Đã nộp đơn đăng ký bảo hộ 2 nước Trung Quốc và Thái Lan, hai nước này đã đồng ý bảo hộ.

Tin mới lên