Học thuật

Giả thuyết thu nhập thường xuyên là gì? Tiểu sử M.Friedman

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Giả thuyết thu nhập thường xuyên (permanent income hypothesis) là gì? Tiểu sử M.Friedman.

Giả thuyết thu nhập thường xuyên là gì? Tiểu sử M.Friedman

Giả thuyết thu nhập thường xuyên (permanent income hypothesis) là giả thuyết cho rằng tiêu dùng của cá nhân phụ thuộc vào thu nhập thường xuyên từ lao động hoặc đầu tư .

Giả thuyết thu nhập thường xuyên là gì?

Giả thuyết thu nhập thường xuyên (permanent income hypothesis) là giả thuyết cho rằng tiêu dùng của cá nhân phụ thuộc vào thu nhập thường xuyên từ lao động hoặc đầu tư. M.Friedman, người đã nêu ra giả thuyết này, cho rằng con người tiêu dùng một tỷ lệ xác định giá trị hiện tại của dòng thu nhập mà anh ta kiếm được từ lao động và của cải. Ông gọi giá trị hiện tại của dòng thu nhập này là thu nhập thường xuyên.

Mức thu nhập thường xuyên hàng năm là tổng thu nhập mà người tiêu dùng dự kiến nhận được trong cả cuộc đời chia cho tuổi thọ của anh ta tính bằng số năm. Tiêu dùng thường xuyên và thu nhập thường xuyên là những bộ phận dự kiến hay có kế hoạch của tiêu dùng và thu nhập. Mối quan hệ giữa chúng là mối quan hệ thuận.

Ngược lại, thu nhập tạm thời phản ánh những yếu tố khác, mang tính ngẫu nhiên, chẳng hạn của thừa kế, mất thu nhập do ốm đau. Nó là cơ sở cho tiêu dùng tạm thời, chẳng hạn đi du lịch do được hưởng của thừa kế, giảm mức chi tiêu hàng ngày do ốm đau. Friedman lập luận rằng thu nhập và tiêu dùng tạm thời hoàn toàn không có mối liên hệ gì với thu nhập và tiêu dùng thường xuyên. Theo ông, người ta cần phải nghiên cứu cả hai phương diện thường xuyên và tạm thời để xác định mối quan hệ tổng hợp giữa thu nhập và tiêu dùng. 

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tiểu sử M.Friedman

Milton Friedman (31 tháng 7 năm 1912 – 16 tháng 11 năm 2006) là một nhà kinh tế học đoạt giải Nobel người Mỹ. Là người ủng hộ chủ nghĩa tư bản tự do, ông đã có những đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế học vĩ mô, kinh tế học vi mô, lịch sử kinh tế và thống kê. Năm 1976, Friedman nhận Giải Nobel Kinh tế vì những đóng góp vào lĩnh vực phân tích tiêu dùng, lịch sử và lý thuyết tiền tệ cũng như vì công lao của ông trong việc chứng minh tính phức tạp của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Theo tờ The Economist, Friedman là nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất vào nửa sau thế kỷ 20.

Friedman chính là người đã lập nên trường phái kinh tế học vĩ mô rất có ảnh hưởng – trường phái trọng tiền (monetarism). Tư tưởng chính trị của Friedman nhấn mạnh những ưu thế của thị trường và những bất lợi khi Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế đã định hình quan điểm của những người theo trường phái bảo thủ và tự do ở Mỹ. Quan điểm của ông về chính sách tiền tệ, thuế khóa, tư nhân hóa và giảm bớt sự can thiệp của chính phủ đã có tác động to lớn tới chính sách của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt thời kỳ chính quyền Ronald Reagan ở Mỹ và Margaret Thatcher ở Anh. Friedman là học trò của nhà kinh tế nổi tiếng Simon Kuznets và là thầy dạy của các nhà kinh tế nổi tiếng khác như Gary Becker, Tom Campbell, Thomas Sowell.

Tin mới lên