Thị trường

Giá vàng thế giới biến động liên tục, trong nước lên đỉnh mới 67,5 triệu đồng/lượng

(VNF) - Sau 12h hôm nay (4/3), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,75- 67,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới biến động liên tục, trong nước lên đỉnh mới 67,5 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới biến động liên tục, trong nước lên đỉnh mới 67,5 triệu đồng/lượng

So với đỉnh được thiết lập vào cuối ngày 2/4 là 67,3 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đã tăng thêm 200.000 đồng đồng/lượng.

Tính trong vòng 1 tháng qua, giá vàng trong nước đã tăng 4,75 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra.

Còn so với đầu năm 2022, giá vàng đã tăng khoảng 5,7 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy chỉ trong 4 ngày đầu tháng 3/2022, giá vàng trong nước đã liên tiếp thiết lập vùng đỉnh cao nhất từ trước đến nay.

Giá vàng thế giới ngày 4/3 đang ở mức 1.940 USD/ouce, tăng chỉ 1 USD/ounce so với 2 ngày trước, đang hứa hẹn thiết lập đỉnh mức mới khi căng thẳng Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay (4/3) cũng được điều chỉnh tăng mạnh, mua bán quanh mức 54,8- 55,6 triệu đồng/lượng.

Khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng SJC hôm nay được giữ ở mức 750.000 đồng/lượng, giảm 150.000 đồng so với hôm thứ Hai đầu tuần, và giảm mạnh so với mức trên 1 triệu đồng của tuần trước.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và vàng trong nước hôm nay cũng biến động theo giá vàng. Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC khoảng gần 13 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đêm 3/3 cao hơn khoảng 1,8% (34 USD/ounce) so với đầu năm 2021.

Đêm qua, giá vàng giao ngay của thế giới đã đảo chiều trong bối cảnh vòng đàm phán thứ 2 giữa Nga với Ukraine chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Giá xăng, giá cả của nhiều nhiên liệu khác và giá lương thực đang tăng vọt. Chỉ số giá sản xuất tháng 1/2022 của của khu vực châu Âu ( EU) tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước.

Phản ứng các thông tin trên, thị trường dấy lên lo ngại lạm phát toàn cầu tăng cao và những rủi ro có thể đến từ các yếu tố liên quan xung đột Nga – Ukraine. Giới đầu tư tài chính tập trung vốn vào giá vàng để bảo toàn vốn.

Sau nhiều giờ giao dịch giằng co trong vòng 1.920 - 1925 USD/ounce, giá vàng thế giới đã vọt tăng 20 USD/ounce, từ 1.920 USD/ounce lên 1.942 USD/ounce lúc 4 giờ ngày 4/3; đến 6 giờ cùng ngày giao dịch tại 1.937 USD/ounce và nhích dẫn lên 1.940 USD/ounce lúc 12 giờ.

Căng thẳng Nga-Ukraine được cho là còn kéo dài khiến giới đầu tư tiếp tục tìm đến vàng như một kênh trú bão an toàn.

Vàng còn được dự báo tăng khi các tổ chức lớn đẩy mạnh mua vàng. SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, đã tăng dự trữ lên mức cao nhất kể từ giữa 2021 là 1.042,38 tấn.

Trong tuần, Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết, họ sẽ bắt đầu nối lại hoạt động mua vàng chính thức sau hai năm gián đoạn.

Thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Trong khoảng thời gian 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực sau đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn.

Từ khoá: vàng, giá vàng, vàng miếng, sjc, PNJ,
Tin mới lên