Thị trường

Giá vàng thế giới chịu nhiều áp lực kéo giảm, vàng trong nước 'đứng yên'

(VNF) - Các cửa tiệm, doanh nghiệp kinh doanh vàng, trên cả nước hầu như tạm ngưng hoạt động. Cả tuần qua, giá vàng trong nước chỉ tăng có 100.000 đồng/lượng

Giá vàng thế giới chịu nhiều áp lực kéo giảm, vàng trong nước 'đứng yên'

Giá vàng thế giới chịu nhiều áp lực kéo giảm, vàng trong nước 'đứng yên'

Hôm nay (26/7), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 56,8 – 57,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này đang ở mức 1.808,4 USD/ounce.

So với hôm cuối tuần, giá vàng trong nước hôm nay đứng yên ở cả chiều mua vào và bán ra; giá vàng thế giới tăng nhẹ, với mức 6 USD/ounce (khoảng 140.000 đồng).

Giá vàng trang sức cũng đứng yên khi giao dịch quanh mức 50,95- 51,65 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá mua - bán hôm nay được công ty SJC giữ ở mức 650.000 đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với cả tuần qua, nhưng đây là mức rất cao so với bình quân 400.000 đồng ở các tháng trước. Biên độ chênh lệch giá vàng trang sức cao hơn, khoảng 700.000 đồng/lượng.

Hiện cả nước có rất nhiều tỉnh thành cùng giãn cách chống dịch Covid-19, nên giao dịch vàng trên thị trường trong nước khá trầm lắng, các nhà đầu tư cá nhân hầu như không thể tham gia mua - bán gì ở các cửa hàng, doanh nghiệp.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC khoảng 7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới lúc 9 giờ sáng đầu tuần (26/7) giao dịch ở mức 1.806 USD/ounce.

Một số nhà phân tích cho rằng vàng vẫn có thể giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce. Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất, đặc biệt tại Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, có xu hướng giảm khi nhiều người dân nước này đã phải bán vàng để trả nợ ngân hàng do làn sóng đại dịch thứ 2 tàn phá kinh tế.

Các nhà phân tích hiện không loại trừ khả năng vàng bị bán tháo, thậm chí "đại hạ giá" xuống còn 1.730 USD, do tâm lý nhà đầu tư thay đổi trước những rủi ro.

Chứng khoán, lợi suất trái phiếu Mỹ, đồng USD, lạm phát… đang tạo các áp lực khác nhau lên giá vàng. Việc cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều đóng cửa ở mức cao nhất, cho thấy dòng vốn tiếp tục chảy vào thị trường đang lên này.

Một loại tài sản khác tạo áp lực giảm giá cho kim loại quý là lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Cuối tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng cao hơn một chút sau khi giao dịch lên mức cao nhất trong ngày là 1,3%. Vào lúc đóng cửa thị trường, mức lợi suất này giữ ở mức 1,28%, tăng 2,2 điểm cơ bản so với mức đóng cửa ngày hôm trước là 1,264%.

Những ngày này, tạo áp lực lên giá vàng còn có sự biến động của đồng USD. Kết thúc tuần trước, chỉ số USD đóng cửa ở mức 92,885, tăng 0,06%. Đồng USD đã có biến động khá lớn khi di chuyển từ mức thấp 88,50 vào giữa tháng 5/2021, đến giá trị hiện tại là gần 93. 

Lạm phát đình trệ có thể trở thành rủi ro lớn trong năm nay. Các chỉ số về CPI, GDP... cũng tác động đến xu hướng của giá vàng trong thời gian tới.

 

Từ khoá: vàng, giá vàng,
Tin mới lên