Thị trường

Giá vàng thế giới giảm nhẹ, trong nước đứng yên

(VNF) - Sau 13 giờ ngày 8/7, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 56,85 – 57,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này đang ở mức 1.798,3 USD/ounce.

Giá vàng thế giới giảm nhẹ, trong nước đứng yên

Giá vàng thế giới giảm nhẹ, vàng trong nước đứng yên

So với hôm qua (7/7), giá vàng trong nước hôm nay không thay đổi ở cả chiều mua vào và bán ra trong khi giá vàng thế giới giảm nhẹ với mức 6 USD/ounce (khoảng 140.000 đồng).

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại lại có xu hướng giảm khi được niêm yết phổ biến quanh mức 51,3- 51,9 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Chênh lệch giá mua - bán hôm nay được công ty SJC giữ ở mức 600.000 đồng/lượng, quay lại mức khá cao như tháng trước. 

Giá vàng thế giới đêm 6/7 thấp hơn khoảng 4,9% (92 USD/ounce) so với cuối năm 2020.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước vẫn duy trì ở mức cao, tuy nhiên khi giá vàng thế giới giảm nhẹ, giá vàng trong nước đứng yên, mức chênh lệch có nới rộng thêm. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC khoảng 7,2 triệu đồng/lượng.

Trong ngày 7/7, giá vàng thế giới biến động khó lường trong bối cảnh Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) - cơ quan cấp trên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - công bố nội dung biên bản cuộc họp hồi tháng 6/2021.

Cụ thể, biên bản của FOMC cho thấy các thành viên của FED đã tranh luận về cách thức, thời điểm giảm dần chính sách tiền tệ nới lỏng; quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ diễn ra không đồng đều và lạm phát có xu hướng tăng lên.

Có thể, trong vài tháng tới, FED sẽ giảm dần việc tung ra thị trường mỗi tháng 120 tỷ USD để thu mua các loại tài sản có giá, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19

Lập tức, thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu có phản ứng, tác động đến xu hướng của giá vàng. Do lạm phát tại Mỹ gia tăng nên một số nhà đầu tư tập trung vốn vào kim loại quý này để bảo toàn vốn. Giá vàng có lúc tăng 15 USD/ounce, từ 1.795 USD/ounce vọt lên 1.810 USD/ounce lúc 21 giờ ngày 7/7.

Tuy vậy, giới phân tích nhận định trong bối cảnh lạm phát gia tăng, việc FED tăng lãi suất cơ bản chỉ là vấn đề thời gian. Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã trú ẩn vốn vào USD giúp đồng tiền này tăng giá, bất lợi cho giá vàng. 

Lãi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục giảm từ 1,35%/năm xuống 1,32%/năm khiến giới đầu tư bên ngoài nước Mỹ không còn thu gom USD để mua trái phiếu, làm cho đồng bạc xanh tăng giá hơn nữa, tăng thêm sức ép lên thị trường vàng. Từ đó, nhà đầu tư vàng giảm sức mua khiến đà tăng của giá vàng thế giới khựng lại.

Thị trường chứng khoáng Mỹ, châu Âu đồng loạt tăng điểm, nghĩa là dòng tiền chảy vào thị trường vàng hết sức khiêm tốn. Giới đầu tư tài chính nhận định giá vàng đang ở hoàn cảnh bất lợi nên khi vàng giao dịch tại 1.810 USD/ounce, họ đã chớp thời cơ bán khống chờ giảm giá sẽ mua vào thu về lợi nhuận. Giá vàng thế giới vì thế mất đi 12 USD/ounce, xuống còn 1.798 USD/ounce.

Chuyên gia nhận định, con đường của vàng sẽ còn gập ghềnh cho đến tháng 8/2021 nhưng vàng sẽ tăng và giao dịch tiến tới mức giá 2.000 USD/ounce.

Các chiến lược gia tại Ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore đang nhìn xa hơn mức độ biến động ngắn hạn của vàng và khuyến nghị nhà đầu tư nên có kim loại vàng trong giỏ tài sản như một biện pháp phân hóa rủi ro trong danh mục đầu tư.

Từ khoá: vàng, giá vàng,
Tin mới lên