Thị trường

Giá vàng thế giới hôm nay (15/8): Giảm nhẹ, giới đầu tư 'nghe ngóng' diễn biến mới

(VNF) - Giá vàng thế giới hôm nay (15/8) giảm nhẹ, trong bối cảnh thị trường cần củng cố sau loạt phiên tăng kỷ lục. Giới đầu tư tỏ ra thận trọng, "nghe ngóng" diễn biến của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và gói kích thích kinh tế mới.

Giá vàng thế giới hôm nay (15/8): Giảm nhẹ, giới đầu tư 'nghe ngóng' diễn biến mới

Giá vàng thế giới hôm nay (15/8): Giảm nhẹ, giới đầu tư 'nghe ngóng' diễn biến mới

Ghi nhận tại thời điểm 6h sáng 15/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.944,8 USD/ounce (Kitco News), giảm 8 USD so với chốt phiên giao dịch gần nhất.

Giá vàng thế giới giảm nhẹ trong bối cảnh giới đầu tư hướng sự quan tâm tới gói kích thích kinh tế mới và cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.944,8 USD/ounce và giá vàng kỳ hạn Mỹ giảm 1% còn 1.949,8 USD. Như vậy, sau khi đạt mức cao kỷ lục của thời đại là 2.072,5 USD/ounce vào ngày 7/8 tuần trước, tuần này vàng đã "bốc hơi" 4,5% giá trị.

David Meger, Giám đốc khối giao dịch kim loại quý tại High Ridge Futures nhận định: "Thị trường vàng đã tăng quá nhanh và quá cao, tôi tin rằng thị trường này đang cần tạm dừng để củng cố giá trị. Và điều này chính xác là diễn biến của giá vàng hiện nay".

Mặc dù, dữ liệu kinh tế mới của Mỹ gây thất vọng và kém xa so với dự báo, nhưng vẫn không giúp vàng giữ giá trong tuần này. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Mỹ đang dao động quanh ngưỡng đỉnh 7 tuần, cũng tạo sức ép bán tháo cho giới đầu tư, và làm giảm đà tăng của giá vàng.

Theo dữ liệu mới công bố, đến nay, nền kinh tế Mỹ chỉ lấy lại được 9,3 triệu việc làm trong tổng số 22 triệu việc làm đã mất từ tháng 2 đến tháng 4, do tác động của dịch bệnh.

Việc hàng chục lao động Mỹ bị đẩy vào cảnh thất nghiệp đã khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm 5% trong quý I/2020. Các chuyên gia kinh tế dự báo, tình hình sẽ còn xấu hơn với việc GDP của Mỹ có thể giảm hơn 30% trong quý II/2020, trước khi tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2020.

Nhà phân tích Edward Meir tại ED&F Man Capital Market cho rằng, giá vàng đang chịu sức ép do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, nhân tố thúc đẩy hoạt động bán tháo của giới đầu tư. Lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn làm gia tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 28%.

Dự đoán về xu hướng dài hạn, theo giới chuyên gia, nhiều nền kinh tế sẽ tiếp tục hạ lãi suất thấp hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn hoành hành. Ðiều này sẽ khiến nhu cầu tích trữ những tài sản mang tính phòng thủ như vàng càng tăng cao.

Mặt khác, các yếu tố hỗ trợ giá vàng vẫn đang hiện hữu, bao gồm bất ổn địa chính trị, căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, hay đợt bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới...

"Giá vàng sẽ chinh phục mức đỉnh thời đại một lần nữa, khi gói kích thích kinh tế mới và ngày bầu cử Tổng thống tới gần. Sự hỗn độn này sẽ buộc giới đầu tư phải "tự bảo vệ" khoản đầu tư của họ, và thúc đẩy thị trường trú ẩn tài chính", Jeffrey Sica, người sáng lập công ty môi giới đầu tư Circle Squared Alternative Investments cho biết.

Trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 14/8, giá vàng PNJ niêm yết ở mức 54,80 - 56,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng lần lượt 1.400.000 đồng/lượng ở chiều mua và 700.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên giao dịch gần nhất.

Giá vàng SJC Hà Nội được niêm yết ở mức 54,43 - 56,19 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1.250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 390.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch liền kề.

Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 54,80 - 56,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng lần lượt 1.000.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 700.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.

Phú Quý niêm yết giá vàng ở mức 54,80 - 55,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cùng tăng 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch liền kề.

Tin mới lên